- Những mẩu chuyện nhỏ về mối quan hệ giữa bố mẹ - con cái cùng với toán được hai nhà toán học lừng danh chia sẻ, liệu sẽ giúp cho các phụ huynh Việt Nam có cái nhìn khác hơn về toán?

>> GS Ngô Bảo Châu: "Không nhất thiết phải có bằng đại học"

{keywords}

GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani tại buổi tọa đàm diễn ra cuối tháng 8 vừa qua tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace (Ảnh Văn Chung)

Chuyện của cha và con

Hai nhà toán học được giải thưởng Fields đều có chung quan điểm về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái với… môn toán.

“Mối quan hệ con cái – bố mẹ không giống mối quan hệ học trò – giáo viên” – đây là ý kiến của GS Cédric Villani. “Hơn nữa, mỗi người có tính cách khác nhau. Tôi luôn lắng nghe con nói. Tôi không ép con mình mà tạo điều kiện cho các cháu làm điều mình muốn”.

“Các con tôi đang học chuyên về âm nhạc. Nhưng tôi nghĩ tôi chính là tấm gương cho các cháu, khi chúng thấy tôi làm việc miệt mài, đọc sách, viết sách”.

“Tôi còn nhớ có lần con trai tôi viết ngoằn ngoèo trên một tờ giấy và nói rằng “Tôi là một nhà toán học thiên tài đây””.

GS Ngô Bảo Châu thì nghĩ rằng “Sự đam mê, sức làm việc của tôi đã làm cho hai con gái lớn "sợ"”.

Một kỷ niệm mà nhà toán học này tiết lộ là: “Cách đây khá lâu, tôi thấy con tôi chui vào gầm bàn, ngồi thu lu trong góc tối nhất, nên hơi lo. Tôi hỏi “Thanh Hiên làm gì đấy con?”- cháu trả lời “Con đang học toán”.

“Tôi đang cố gắng điều chỉnh, hướng con gái thứ ba học toán, không biết có thành công không” – GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Ông cũng nhận định “Mối quan hệ bố mẹ - con cái rất phức tạp”. Ở vị trí người con, ông nhớ lại: “Bố tôi chỉ cố gắng dạy toán cho tôi có một lần, và tôi thấy không hiệu quả lắm. Khi đó, ông cho tôi một đề toán và yêu cầu tôi tìm cách giải. Tôi trình bày và bố tôi không hiểu lời giải của tôi. Sau khoảng 10 phút, tôi thấy khá khó chịu và nói rằng không hiểu bố tôi định làm gì. Và từ đó ông không dạy toán cho tôi nữa”.

GS Cédric Villani thì hóm hỉnh: “Bố mẹ tôi làm trong lĩnh vực văn học. Từ năm 12 tuổi, tôi đã biết rằng tôi biết về toán nhiều hơn họ”.

Khuyến khích sự say mê của trẻ vào thời điểm nào?

Cũng không quá ngạc nhiên khi hai vị giáo sư cùng có chung nhận định về thời điểm quan trọng này, và đều rút ra từ những kinh nghiệm của bản thân.

 “Quan sát đầu tiên khiến tôi thích toán là hình học” – GS Ngô Bảo Châu nhớ lại. “Khi có thời gian rỗi, tôi đều làm các bài toán về hình để chứng minh định lý. Và tôi thích làm càng nhiều bài toán càng tốt, giống như chơi thể thao. Một định lý mà tôi cho rằng là hay nhất tôi từng được học trên lớp là vào năm tôi 13 tuổi”.

“Tôi nghĩ rằng có thời điểm rất quan trọng, là độ tuổi 12, 13 tuổi”. Để rút ra điều này, GS Cédric Villani cho biết “Tôi nhớ những ngày tôi học lớp 9, tôi đã ấn tượng mạnh khi giáo viên nói với tôi rằng chúng ta hãy học cách chứng minh. Tôi được làm điều tôi thích. Đó là thời điểm quan trọng”.

Để “trấn an” các phụ huynh về việc học toán của con em mình, GS Cédric Villani phân tích: “Rõ ràng hiện nay mọi người ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của toán học, bởi vì chúng ta bước vào kỷ nguyên mới của dữ liệu. Thế giới đang được hưởng lợi từ giới nghiên cứu với các dụng cụ tìm kiếm, kỹ thuật mới để phân tích cơ sở dữ liệu.

Chúng ta đang có những giải pháp tối ưu hóa để có phân tích tốt hơn, mà chúng ta chỉ có thể làm ở hiện tại, vì máy tính trước đây chưa làm được. Chính vì vậy mà toán trở nên gần gũi hơn, và áp dụng được vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống”.

Bằng góc nhìn của mình, GS Ngô Bảo Châu cho rằng “Chúng ta đang đứng trước thay đổi lớn của xã hội và năng lực của chúng ta cũng đang thay đổi. Tương lai sẽ nằm trong tay những người hiểu về toán”.

“Chúng ta là con người, cũng có những bản năng, nhiều khi không cần toán cũng hiểu vấn đề. Nhưng với những tiến bộ khoa học như hiện nay, chúng ta có phương tiện để hiểu rõ ràng về xã hội, tự nhiên, hơn rất nhiều nếu so với bản năng hiểu khi chưa có những công cụ đó”.

GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani cùng nhận giải thưởng Fields toán học (tương đương với giải thưởng Nobel) vào năm 2010. Cả hai đều đóng vai trò tích cực trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt ở Pháp và Việt Nam. 

 Ngân Anh lược ghi