- Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lí cán bộ cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Thúy Hồng trao đổi xung quanh những bất cập ở các kỳ thi giáo viên dạy giỏi hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hồng: Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là nhằm tạo cơ hội để giáo viên nâng cao năng lực dạy học thông qua việc phân tích các bài học, tổng kết và chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học, khai thác sử dụng phương tiện, đồ dùng dạy học, thực hiện kế hoạch giáo dục cụ thể dựa trên chương trình giáo dục chung.

{keywords}
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Văn Chung

Đồng thời động viên các giáo viên có những đóng góp nổi bật qua việc tuyển chọn, công nhận và suy tôn các giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi.

Bộ GD-ĐT có những đánh giá cụ thể về tính hiệu quả của việc tổ chức các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, thưa bà?

Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp được tổ chức trong những năm học vừa qua đã theo đúng mục tiêu của hoạt động này, góp phần tích cực trong việc triển khai các phong trào thi đua, khuyến khích và tạo cơ hội cho giáo viên giao lưu học hỏi, tự học và sáng tạo. Thông qua hội thi, các cơ sở giáo dục đã phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong giảng dạy và giáo dục học sinh, góp phần tạo động lực phấn đấu cho mỗi giáo viên và lan tỏa ở mỗi địa phương và toàn ngành.

Bên cạnh đó, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng là một trong những nguồn cung cấp thông tin về thực trạng đội ngũ giáo viên để các cấp quản lý giáo dục và các nhà trường sử dụng làm căn cứ cho việc xây dựng các kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, hoạt động bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục...

Theo bà, đâu là những tồn tại, hạn chế cần khắc phục ở các kỳ thi này?

Một số Hội thi giáo viên dạy giỏi còn mang tính hình thức, quá coi trọng việc so sánh, xếp loại, ít quan tâm đến mục đích chính của cuộc thi là động viên sự cố gắng, sáng tạo và tinh thần học hỏi của giáo viên; có những quy định về sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, thời gian và hình thức thi, nội dung thi còn chưa hợp lý gây khó khăn cho công tác tổ chức và giáo viên dự thi.

Có nơi còn chạy theo thành tích, ép buộc giáo viên tham gia Hội thi để lấy thành tích cho nhà trường, không trung thực trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động, gây áp lực cho giáo viên và học sinh như: huy động học sinh để giáo viên tập dượt dạy trước, gà bài trước cho học sinh, giờ thao giảng HS phải học lại bài đã học hoặc yêu cầu những HS "tốp dưới" nghỉ học. Việc phân tích, đánh giá kết quả dự thi thiếu khách quan, trung thực…

Với việc đưa ra những lưu ý cho các sở giáo dục đào tạo trong tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, Bộ GD-ĐT có cho rằng khâu tổ chức các kỳ thi này sẽ đi vào quy củ, thực chất?

Do còn một số tồn tại, hạn chế trong tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi đã nêu ở trên, gây bức xúc cho giáo viên và các nhà trường nên Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 558 nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp để đảm bảo Hội thi được thực hiện theo đúng Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Bà nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này vì giáo viên quá vất vả và cách làm hiện nay hình thức, khổ cho cả giáo viên và học sinh?

Hội thi giáo viên dạy giỏi là một hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, được đông đảo các giáo viên và nhà trường đồng tình ủng hộ vì đã tạo ra sân chơi cho giáo viên thể hiện năng lực, rèn luyện nghiệp vụ, trao đổi học tập kinh nghiệm với các đồng nghiệp....

Cho nên, cần phải thường xuyên rút kinh nghiệm để tổ chức ngày càng tốt hơn, theo kịp những yêu cầu đổi mới của ngành; không vì một số nơi tổ chức Hội thi chưa tốt mà bỏ không tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. 

PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từng cho rằng nếu ngành giáo dục vẫn muốn duy trì danh hiệu giáo viên dạy giỏi thì nên đánh giá giáo viên dựa trên sự tiến bộ của các em trong một thời gian (một năm học) hoặc đánh giá nên dựa theo các quy định "chuẩn nghề nghiệp giáo viên" đã có hiện nay. Bà có đồng tình với ý kiến này?

Hằng năm các nhà trường đều thực hiện việc đánh giá giáo viên, bình xét thi đua dựa trên chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó có xem xét đến sự tiến bộ và kết quả học tập và rèn luyện của học sinh và cả kết quả giáo viên tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi (nếu có) theo những tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định đã được hướng dẫn tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 của Bộ GD-ĐT.

Trong công văn số 558, Bộ đã đề nghị các sở giáo dục và đào tạo rút kinh nghiệm từ thực tế để góp ý Thông tư số 21; Bộ sẽ tiếp thu ý kiến khi xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định trong Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp và hiệu quả hơn trong hoàn cảnh hiện nay và các năm sau.

Cảm ơn bà.

  • Văn Chung (thực hiện)