- Dự kiến không đưa môn học Lịch sử vào chương trình giáo dục cơ bản, mà môn Lịch sử chỉ là môn tự chọn trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, đang gây ra không ít phản ứng từ dư luận, giáo viên và những chuyên gia lịch sử.


Cùng nhìn lại quan điểm về dạy và học lịch sử của một trong những người đầu tiên biên soạn sách giáo khoa ở Việt Nam, là Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ (1861 - 1908).

Ánh sao băng của Đông kinh nghĩa thục

Đầu thế kỷ XX, nếu Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh nổi lên như hai ngôi sao sáng tiêu biểu cho phong trào Đông Du và Duy Tân thì trong phong trào Đông Kinh Nghĩa thục với trường học mới, báo chí mới, Đào Nguyên Phổ cũng là một trong những ánh sao băng.

{keywords}

Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ

Đào Nguyên Phổ tên thật là Đào Thế Cung, còn gọi là Đào Văn Mại, quê làng Thượng Phán, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi (nay là thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Ông đỗ Cử nhân năm 1884, nhưng chưa dự thi Hội ngay, mà ra làm quan nhà Nguyễn.

Ban đầu, Đào Nguyên Phổ được bổ chức Huấn đạo huyện Tam Nông tỉnh Hưng Hóa, rồi làm Tri huyện tại huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh. Sau vì để mất trộm tiền thuế của huyện, ông bị bãi chức, phải trở về đi dạy học trên địa bàn tỉnh Nam Định cũ (nay là cả hai tỉnh Nam Định và Thái Bình). Trong thời gian này, ông giao du với các chí sĩ yêu nước.

Năm 1895, ông vào Huế, học tại trường Quốc tử giám. Đến năm 1898, sau 3 năm học tại kinh đô, ông dự thi Hội và đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Ngay sau đó, ông được bổ chức Hàn lâm thừa chỉ.

Năm 1902, ông từ quan, ra Hà Nội làm nghề nhà báo, viết cho Đăng cổ tùng báo và L'Annam, cùng tích cực truyền bá tư tưởng duy tân.

Tháng 3/1907, trường Đông Kinh nghĩa thục mở ra mà Lương Văn Can là Thục trưởng, Nguyễn Quyền làm giám học, một số vị khác là sáng lập viên.

{keywords}
Các sĩ phu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

Theo ông Đào Duy Mẫn (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT), cái tên Đông Kinh nghĩa thục là do Đào Nguyên Phổ đề xuất. Ông có chân trong Ban giảng huấn (phần chữ Hán) và Ban biên soạn. Ngoài ba cuốn sách ông không ghi tên, ông còn soạn chung một đôi cuốn sách với người khác. Một số bài viết của ông trong Đại Việt tân báo cũng được dùng làm tài liệu giảng dạy hoặc bình văn.

Sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, tiếp đến vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Thành bị thất bại, Đào Nguyên Phổ bị người Pháp truy lùng ráo riết. Ông phải tự sát vào năm 1908 để khỏi bị Pháp bắt, cũng để giữ danh tiết đồng thời tránh hệ lụy cho gia đình và bạn bè.

“Ánh sao băng Đào Nguyên Phổ chỉ bay ngang qua bầu trời Hà Nội trong một thời gian ngắn (vì ông mất sớm) rồi vụt tắt và tưởng không để lại dấu vết gì” - ông Mẫn nhận xét. “Nhưng lịch sử bao giờ cũng biết tìm đường đi để trả lại sự công bằng cho sự thật theo độ lùi của thời gian”.

Nếu dạy học “quốc sử”được như thế...

Quan điểm về việc dạy và học quốc sử được Đào Nguyên Phổ thể hiện trong những bài tựa của bộ Việt sử tân ước toàn biên, cuốn Việt sử mông học… và các bài trong cuốn “Ấu học Hán tự tân thư”.

{keywords}
Các học trò đang chăm chú nghe gảng tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Là một nhà giáo dục mang tư tưởng canh tân, nhưng Đào Nguyên Phổ quan niệm: “Nước không cứ lớn nhỏ, có nước ắt có sử. Sử như một bức ảnh chụp toàn cảnh đất đai, nhân dân cùng tình hình chính trị, giáo dục các triều đại" (Tựa bộ Việt sử tân ước toàn biên). Chính vì vậy ông rất coi trong việc dạy học lịch sử. Cũng trong bài tựa này, ông phải thốt lên rằng: “Ôi! Cái gọi là thực học, thì điều quan trọng số một là sử nước nhà”.

Trong bài tựa cho cuốn Việt sử mông học (của Ngô Đức Dung), ông cũng viết như sau: “Nhân dân ta trước hết hãy đọc sử nước nhà, để trong đầu óc mình lúc nào cũng có tư tưởng về Tổ quốc Việt Nam; lại phải phát huy cái tốt của nước mình, cái tinh hoa của dân tộc mình để đào tạo tính chất cho thanh niên, sau đó lại tham khảo đến sử các nước Á Đông để xem xét về cách tiến bộ đột xuất, xem rộng đến sử Châu Âu, Châu Mĩ để biết những cái tinh xảo kỳ diệu, để rõ lẽ hơn được, kém thau, để cái cách xã hội, xét xu hướng của thời vận, chuyển nghèo thành giàu, đổi yếu thành mạnh, người dạy và người học sử đều có trách nhiệm đóng góp”.

Một thực trạng của thời đại mình được ông nêu rõ: “Trải qua các đời lại đây, các khóa sĩ ở trường làng, qua khoa cử để lấy người tài, người học kinh truyện thì quốc sử chỉ học qua loa. Do vậy mà trăm năm, nghìn năm quả thực là điều sai lầm lớn của học giới.

{keywords}
Lớp học của trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Theo ông, việc dạy học sử phải được bắt đầu từ rất sớm: “Trẻ em từ 7 đến 8 tuổi vào lớp vỡ lòng, phải cho luyện tập ngay việc đọc quốc văn, quốc sử. Đối với phụ nữ cũng như thế. Sở dĩ phải in vào trong trí não mọi người hai chữ “Quốc Gia” sao cho bền vững không lay chuyển được, bó bện không thể nào cởi bỏ được, thay vì khi tuổi đã lớn, việc học đã thành tựu thì không ai không mối quan hệ mật thiết giữa Tổ quốc với gia đình và bản thân mình”.

Phân tích về tư tưởng, quan điểm của Đào Nguyên Phổ trong việc dạy và học lịch sử, PGS.TS Cao Đức Tiến, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng  Đào Nguyên Phổ đã thức tỉnh học giới: “Ngày nay phong hội đang tiến tới, sự mở mang lớn của thời đại văn minh, nếu không vứt bỏ lối văn bát cổ ấy đi mà nghiên cứu khoa học thì không thể gọi là học sinh được. Không khảo xét rộng năm châu từ xưa đến nay thì không thể coi là kẻ sĩ thông đạt được. Đó là điều ai cũng nhận thức được”.

Song ông cũng không quên đưa ra lời cảnh báo: “Nếu vứt bỏ cái gần gũi với ta, mà chuyện theo đuổi cái xa xôi hão huyền, thì cái điều sở học sẽ mất gốc rễ. Coi cái của ta là hèn kém mà chỉ chú trọng đến cái của thiên hạ, thì cái điều gọi là thành công đấy, rốt cuộc cũng là tư tưởng nô lệ. Cho nên, người trí thức có sự học rộng trác việt, vào hàng thông kim bác cổ mà không biết sử nước Nam, không tường việc nước Nam thì hẳn không có lợi ích gì thêm cho nước nhà, cũng không thể gọi là dân nước Nam”.

{keywords}
Lớp học của trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Tư tưởng giáo dục của Đào Nguyên Phổ còn được thể hiện qua việc biên soạn cuốn “Ấu học Hán tự tân thư” gồm 4 tập. Có người cho rằng bộ sách này còn có nhà nho Phạm Tự Trực cùng tham gia.

Theo ông Phạm Bào (là chắt ngoại của Hoàng giáp họ Đào, ở Thái Bình), bộ sách này dùng để dạy cho các sinh đồ trong trường, sau đó được truyền bá đi khắp nước. Trong sách có bài viết theo thể thơ, có bài viết theo thể văn xuôi, thời là bài ngắn, câu ngắn, có vần, dễ đọc, dễ nhớ. Bộ sách này gồm 4 tập, đã bị thực dân Pháp tiêu hủy.

Ông Phạm Bào đã cất công sưu tầm, tuy nhiên chỉ tìm lại được các bài dạy về lịch sử là Trưng Nữ Vương, Trần Quốc Tuấn, Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi.

Nhìn chung, những bài dạy về lịch sử đều được viết rất ngắn gọn, dạy cho người học những kiến thức sơ giản nhất về các nhân vật lịch sử. Ví dụ, bài dạy về Trưng Nữ Vương được viết như sau: “Vua họ Trưng, tên húy là Trắc, con gái Lạc tướng. Lúc bấy giờ tên thái thú Giao Chỉ là Tô Định tham tàn giết chồng bà. Bà cùng em gái là Nhị đem quan đánh Tô Định, đuổi Định về phương Bắc, lấy được hơn sáu mươi thành ở Lĩnh Nam dựng nước, tự lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh. Nước ta được độc lập bắt đầu từ thời Trưng Nữ Vương, có thể gọi bà là anh hùng thứ nhất trong nữ giới”.

Cách viết như vậy là chắt lọc, cô đọng tới mức tối đa, nhưng vẫn đem lại cho người học những thông tin cần thiết, cơ bản về một nữ anh hùng của dân tộc đã có công dẹp giặc, dựng nước.

“Quả thật, nếu việc dạy học lịch sử làm được như những mong muốn của Hoàng Giáp họ Đào, thì ngày nay, chúng ta đã không phải lo phiền về việc học sinh nhớ những sự tích, danh nhân của nước ngoài hơn là nhớ tới những trang sử oai hùng và những danh nhân lỗi lạc của đất Việt. Và cũng không phải làm cái việc như có nơi đã làm là ở mỗi đầu phố mang tên một danh nhân thì phải có thêm một cái bảng “trích ngang” về thân thế, sự nghiệp của danh nhân đó” – ông Tiến nhận xét.

Ngân Anh tổng hợp