- Được Thầy truyền thụ, tôi càng ngày càng cháy bỏng niềm đam mê Sử học. Có lẽ nếu không gặp được Thầy tôi đã từ bỏ đam mê của mình từ lâu…
Năm 2006, tôi được chọn vào đội tuyển Bồi dưỡng học sinh giỏi Sử của Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đó cũng là dịp tôi gặp được Thầy, nhân vật chính của câu chuyện mà tôi đang kể.
Thầy Hoàng Văn Hiển, PGS.TS, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH Huế chụp ảnh lưu niệm với cựu sinh viên khóa 30 nhân Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Khoa Lịch sử, trường ĐHKH Huế. |
Khác hẳn với các Thầy Cô khác tham gia giảng dạy, những kiến thức của Thầy không những khá mới lạ so với SGK mà còn rất sâu sắc. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ thần thái và ngôn ngữ giảng dạy của Thầy. Nó khiến tôi cảm thấy mình như đang được giải bày dần những trang sử sách còn nhiều mơ hồ, nghi hoặc.
Trước khi gặp Thầy, tôi hầu như không đọc báo, ít xem ti vi, thỉnh thoảng mới nghe đài phát thanh vào đêm khuya hay chỉ vài đôi lần trong tháng lên mạng internet để tìm kiếm kiến thức. Trong suy nghĩ “ấu trĩ” của tôi lúc đó, mọi kiến thức đều nằm trong SGK hoặc trong các giờ học trên lớp, cứ thế mà “học đi học lại” cho kỹ càng thì ắt sẽ được điểm cao. Nhưng khi được Thầy truyền thụ bằng phương pháp mới, đầu óc tôi như mở ra một luồng suy nghĩ khác. Suy nghĩ này thôi thúc một học sinh cấp III như tôi phải biết tự mình suy luận những điều mình thắc mắc, không ngừng tìm kiếm những kiến thức mới để bổ sung những điều còn thiếu sót. Thành ra, nhờ Thầy mà càng ngày tôi càng mê học Sử.
Năm đó, tôi đã may mắn đạt được giải ba Quốc gia. Suốt những ngày sau đó, sau khi thi xong tốt nghiệp, tôi ao ước được bước chân vào ngôi trường Đại học Khoa học Huế. Tôi quả thật mong muốn mình có thêm cơ hội được Thầy giảng dạy.
Ngày nhập học Đại học, tôi gặp lại hai người bạn trong Đội tuyển. Thật bất ngờ, các bạn ấy cũng như tôi, đều cảm phục tài trí của Thầy mà nộp đơn vào học ngành Lịch sử, trường Đại học Khoa học Huế.
Việc học chung lớp với hai đứa bạn cũ đã là chuyện hiếm có, vậy mà lớp chúng tôi lại còn được Thầy làm chủ nhiệm lớp đúng năm thứ nhất. Điều đó làm ba chúng tôi không khỏi cho đó là một sự may mắn, trùng hợp đến lạ lùng.
Trong suốt năm học thứ nhất, ba đứa sinh viên người Huế chúng tôi như “ngựa non háu đá”, luôn tranh luận sôi nổi với nhau về tất cả những vấn đề. Và đôi khi, vì tranh luận quá mức đã đâm ra cãi cọ, hậm hực với nhau. Cho đến khi học đến học phần của Thầy, chúng tôi mới được Thầy nhắc nhở sau một buổi thảo luận nặng mùi “thuốc súng”. Bởi theo Thầy, việc thảo luận trong khi học Đại học không phải là việc giành phần hơn về cho một ai mà là khiến lượng kiến thức của người học được thu nạp được nhiều hơn so với các phương pháp khác và đảm bảo được thói quen phản biện trong khoa học, một phương pháp học tập hiệu quả suốt đời.
Được Thầy chỉ ra điều sai lầm, ba chúng đều vạch ra cho mình những con đường đi riêng phù hợp với bản thân để tiếp cận chân lý khoa học và trưởng thành trong cuộc sống. Hai người bạn của tôi nay đều đang học Thạc sĩ ngành lịch sử dù một đứa theo nghiệp nhà văn, một đứa hiện làm cho một công ty du lịch tư nhân. Bản thân tôi, một phóng viên mới vào nghề cũng luôn say mê những đề tài về lịch sử mang tính khám phá.
Đến nay, cả ba chúng tôi đều nhớ đến Thầy như một tượng đài để bản thân mình noi theo. Riêng phần tôi, nếu không được gặp Thầy tại Lớp Bồi dưỡng và sau đó được học 4 năm dưới mái trường Đại học Khoa học Huế có lẽ cuộc đời tôi đã thiếu hẳn đi niềm đam mê và sự cầu tiến trong cuộc sống. Và có lẽ, nếu không những cái “nếu không” trên, tôi cũng đã không học được và làm được những gì mình thực sự đam mê và trân trọng trong những năm tháng sinh viên.
Huế, ngày 11/11/2012
Kính tặng Thầy Hoàng Văn Hiển
- Nguyễn Văn Toàn (Cựu sinh viên Khóa 30, ngành Lịch sử, trường Đại học Khoa học Huế)