- Vấn đề cấm dạy thêm, học thêm trở nên nóng hơn khi một số địa phương vận dụng Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT bằng cách “ập đến bắt quả tang” đã khiến vấn đề "lái" sang cách quản lí có vẻ không ổn. Có ý kiến cho rằng, duy trì cách quản này càng làm cho vấn đề trở nên rối hơn?


Ảnh minh họa

Chưa giải quyết tận gốc

Nhiều độc giả chỉ ra rằng quy định cấm dạy thêm chỉ mới đặt vấn đề giải quyết  phần ‘ngọn’, chứ không thể giải quyết tận gốc. Muốn giải quyết triệt để, cần phải xem xét nguyên nhân tại sao học sinh phải đi học thêm và tại sao giáo viên phải dạy thêm.

Số đông ý kiến cho rằng, cần phải giải quyết được vấn đề lương bổng và sự quá tải của chương trình học, nặng về thi cử thì tình trạng dạy thêm, học thêm mới có hi vọng được dẹp bỏ. Ý kiến khác đề xuất, lương phải đủ để giáo viên trang trải cuộc sống gia đình, tôi thấy có sự đòi hỏi quá cao đối với các thầy cô mà chưa có sự đãi ngộ xứng đáng....

“Nếu Nhà nước trả lương cho giáo viên 10 triệu/1 tháng và ra thông báo cấm dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào, mở lớp dạy thêm thì sẽ bị đuổi việc, lúc đó sẽ thấy giáo viên có mở lớp dạy thêm hay không” – độc giả Lê Nam Cảnh đề xuất.

Độc giả Minh Quân góp kiến, trước khi áp dụng chương trình cấm dạy thêm, học thêm - Bộ nên điều chỉnh chương trình học cho phù hợp, để sau mỗi bài học, buổi học, học sinh hoàn toàn nhớ bài. Sau đó là triển khai phổ biến những phương pháp dạy học tích cực, rèn cho học sinh tính tự học, sáng tạo, không khuôn mẫu...... “Khi làm được điều này, việc học thêm sẽ tự động xoá đi vì tính không cần thiết của nó. Cũng là 1 giáo viên không tham gia dạy thêm, nhưng tôi thấy những giải pháp 'ngọn' như hiện này chẳng giải quyết được gì!”

Một giáo viên thừa nhận có việc giáo viên lợi dụng phụ huynh bắt các em đi học thêm, nhưng thực tế thời gian trên lớp không đủ để truyền tải được tất cả chiều sâu của vấn đề. Giáo viên này khẳng định: “Chính cách thi cử của chúng ta đã tạo ra sự học thêm. Hãy thay đổi cách thi cử hiện nay, chắc chắn chẳng còn ai cần học thêm nữa”.

Có công bằng?

Khi giải pháp đưa ra chưa giải quyết được tận gốc vấn đề mang tính hệ thống thì sẽ có những so sánh: “bác sĩ được mở phòng khám tư, công chức làm một lúc 2, 3 công việc… tại sao giáo viên lại không được dạy thêm?”. Liệu những quy định của Thông tư 17 đã công bằng với giáo viên – một nghề không ít áp lực, vất vả mà lương bổng lại quá bèo bọt. Độc giả Hoa cho rằng giáo viên phải dạy thêm “cũng chẳng sung sướng gì, còn lương thiện hơn một số nghề khác”.

Cũng có ý kiến biện luận: không học thêm, học sinh khó có thể  đỗ những trường ĐH tốt, có danh tiếng và vượt qua rất nhiều kỳ thi như hiện nay. Một giáo viên chia sẻ: “Nếu không học thêm thì liệu ĐH Y Hà Nội có tuyển được học sinh 26 điểm mới đỗ đại học không? Hay ngành Kinh tế đối ngoại của Ngoại thương cũng vậy....”

Bởi bên cạnh những giáo viên dạy thêm vì thu nhập, cũng có rất nhiều giáo viên thực sự muốn truyền đạt kiến thức cho học sinh và dạy rất hiệu quả, nên không có lý do gì đưa ra lệnh cấm khi mà đi học thêm có lợi cho học sinh, phụ huynh cũng hoàn toàn tự nguyện.

Một phụ huynh chia sẻ “thực tế giáo viên giỏi thì học trò rất đông, thường thì phụ huynh phải đem con đến gửi mới nhận hoặc chỉ dạy cho con cháu trong gia đình. Học phí thì chỉ 200 nghìn/1 tháng, phòng học có điều hòa.... Trong khi cô dạy 25 học sinh thì 20 em đỗ các trường lớn”.

"Cho nên, quy định cấm giáo viên mở lớp sẽ dẫn đến việc phụ huynh mời giáo viên đến tận nhà dạy con em mình, trong khi những gia đình không có điều kiện thì không đủ tiền mời thầy, từ đó dẫn đến mất công bằng xã hội" - độc giả Nguyễn Đức Dũng thì chỉ ra kẽ hở của quy định.

Tranh cãi

Trong số những ý kiến phản đối việc dạy thêm, học thêm - đáng lưu ý là tiếng nói của những "người trong cuộc".

“Bản thân tôi là giáo viên cấp 1, nhận thấy một điều: Học sinh đã đi học 2 buổi trên ngày. Nếu một người giáo viên có tâm huyết thì thừa sức bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi, cớ sao các em phải đi học thêm. Có rất nhiều nhà giáo làm giàu từ việc dạy thêm đó!”- một giáo viên lên tiếng.

Một giáo viên khác cũng chia sẻ: “Là một giáo viên, nhưng thấy thời gian học của học sinh mà tôi cũng “choáng”. Nhưng rồi kết quả thi thì sao? Thi ĐH vẫn không bằng những bạn học ít nhưng phù hợp. Sức khỏe yếu đuối, kỹ năng giao tiếp xã hội rất kém, kỹ năng sống và tự bảo vệ mình không có, kỹ năng sáng tạo không có. Tôi cũng tự đặt câu hỏi: với kiểu học toàn lý thuyết suông và nhồi nhét, với quá nhiều cuộc thi HSG như hiện nay thì tương lai sẽ như thế nào?”

Một số độc giả cho rằng quy định đã cấm thì không nên làm, không nên để đến lúc lập biên bản mới “than thở, đổ cho lý do này nọ”. Còn bạn đọc tên Linh đưa ý kiến, các giáo viên nên tập trung dạy tốt trong giờ chính khóa trước rồi hãy nghĩ đến chuyện dạy thêm và dạy thêm chỉ để bổ sung kiến thức nâng cao.

Cùng quan điểm, độc giả Văn Định cho rằng “đừng ngụy biện và đánh tráo khái niệm. Giáo viên là người rao giảng đạo đức, không thể vì nghề cao quý mà làm việc không tuân theo quy định của pháp luật được. Học sinh tiểu học mà đi học như thế thì còn gì là tuổi thơ nữa…”

Là một giáo viên không ủng hộ việc dạy thêm, học thêm, độc giả Minh Tuấn nêu quan điểm, với đồng lương giáo viên, bản thân anh cũng phải chi tiêu tiết kiệm và tìm cách kiếm thêm thu nhập, nhưng anh không tự mở lớp mà kí hợp đồng với các trường tư thục. Theo anh, giáo viên nếu muốn làm thêm ngoài giờ giảng dạy thì nên hợp đồng làm những công việc trong chuyên môn của mình. Cụ thể, giáo viên Anh văn có thể cộng tác với các trung tâm dịch thuật, làm phiên, biên dịch ở các nhà máy, công ty... còn việc dạy chúng ta nên kết thúc sau khi rời khỏi trường, như vậy sẽ tốt cho xã hội hiện nay hơn”.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)