- Theo dõi các thông tin từ dự kiến bỏ cộng điểm thi học nghề khi xét tuyển lớp 10, anh Nguyễn Văn Lực, một giáo viên ở Khánh Hoà đã gửi tới VietNamNet ý kiến của mình.

Năm học 2016-2017, nhiều học sinh và phụ huynh ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa bất bình vì học sinh giỏi bốn năm (40 điểm) vẫn không vào được Trường THPT Lý Tự Trọng vì không có điểm nghề cộng thêm. Vậy điểm nghề có cần tham gia vào xét tuyển không?

Trong xét tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập hàng năm, nhiều học sinh vui mừng trúng tuyển “ăn may” nhờ được cộng điểm nghề. Và ngược lại, nhiều em ngậm ngùi do không có loại điểm khuyến khích này.

Đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề này, và ngày càng nhiều ý kiến thiên về việc “nên bỏ cộng điểm”. Tại sao như vậy?

Mục đích khác mục tiêu

Thực tế, học sinh học nghề hiện nay không phải vì mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp mà mục đích chính là để được cộng điểm khi xét tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập và xét tốt nghiệp THPT.

Theo qui định của Bộ GD-ĐT về cộng điểm khuyến khích nghề phổ thông đối với học sinh lớp 9 THCS và lớp 12 THPT: loại giỏi cộng 1,5 điểm, khá cộng 1 điểm, trung bình cộng 0,5 điểm. Vì vậy, cứ đi học nghề là có điểm cộng.

Bộ GD-ĐT nên thống kê có bao nhiêu học sinh khối lớp 8, 9 (THCS) và khối lớp 11, 12 (THPT) tiếp tục học nghề sau này, hay vận dụng nghề đã học vào cuộc sống, để đánh giá mục tiêu học nghề có đạt được mục đích Bộ đặt ra không.

Cung không hợp cầu, lãng phí thời gian và tiền bạc

Việc học nghề của học sinh không thiết thực, thiếu sự hợp lí. Học sinh chỉ học những nghề dễ cộng điểm như chụp ảnh, làm vườn, còn những nghề khác như tin học, điện, sửa xe thì rất ít hoặc không học học do khó.

Học sinh cũng không được chọn học nghề theo sở thích, năng lực mà chỉ học những nghề mà trường (trung cấp nghề) có dạy.

Rồi học sinh nam, nữ đều học chung một nghề trong khi nhu cầu và năng lực của mỗi em là khác nhau. Các em nữ thích học làm bánh kem, cắm hoa, nấu ăn, may… nhưng có nơi chỉ dạy nghề làm vườn, chụp ảnh. Ngược lại, học sinh nam thì nghiêng về nghề tin học, điện, sửa chữa xe thì có trường lại không dạy (như Trường Trung cấp nghề Diên Khánh, Khánh Hòa).

{keywords}
Ảnh: Thanh Hùng

Đó là chưa nói đến việc tổ chức dạy và thi nghề có đảm bảo chất lượng, thật sự khách quan, nghiêm túc không, vì nhiều trường nghề hiện nay cơ sở vật chất còn hạn chế, không ít giáo viên chưa có chứng chỉ nghề phù hợp…

Những điều này dẫn đến lãng phí tiền bạc và thời gian của học sinh khi tham gia học nghề.

Thiệt thòi cho học sinh không học nghề

Những học sinh không học nghề thì thiệt thòi khi xét tuyển vì không có điểm cộng.

Ví dụ như năm học 2017-2018, Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang, Khánh Hòa) tuyển sinh vào lớp 10 với điểm chuẩn là 41,5 - điểm học tập tối đa của các em chỉ là 40, còn 1,5 là điểm cộng thêm. Nhiều phụ huynh rất bức xúc vì con họ bốn năm liền xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt (40 điểm) mà không được vào học dù là đúng tuyến tuyển sinh, chỉ vì không có điểm nghề. Vậy có công bằng không?

Như đã nói ở trên, cung không hợp cầu, hơn nữa phụ huynh cũng không muốn con học nghề sớm vì ảnh hưởng đến việc học văn hóa. Nhưng nếu không học, các em sẽ thiệt thòi khi xét tuyển vào lớp 10. Vậy là dù muốn hay không, học sinh “đua” nhau đi học nghề để có điểm.

Năm học 2016-2017, có 179 học sinh khối 8 Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) tham gia học và thi nghề với kết quả 138 em xếp loại giỏi, khá 31, trung bình 10. Vậy là tất cả học sinh thi nghề đều được cộng điểm hết.

Phải xem xét lại

Biết rằng học nghề là cần thiết trong tình hình thừa thầy thiếu thợ hiện nay, nhưng học sinh khối lớp 8, 9 có cần thiết sớm phải học nghề không, trong khi các em đang học văn hóa với chương trình quá tải?

Có phụ huynh cho biết “Con tôi không muốn học nghề, nhưng cô chủ nhiệm lớp vận động đi để có điểm cho an toàn và vì thành tích, chỉ tiêu vào lớp 10 của trường. Vậy nên cháu đành đi học”.

Đề xuất giải pháp

Thứ nhất, theo cá nhân tôi, học sinh nào thích học nghề thì tự nguyện đăng kí, như vậy mới phát huy năng lực. Và cần có nhiều nghề để các em lựa chọn theo nhu cầu, sở thích cá nhân.

Thứ hai, không cộng điểm nghề trong xét tuyển vào lớp 10 công lập như hiện nay, nhằm tạo sự công bằng trong xét tuyển dựa trên nền tảng kiến thức văn hóa. Đừng để học sinh “rớt” vì không có điểm học nghề.

Thứ ba, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên thiết kế lại môn Công nghệ là môn học tự chọn sao cho hợp lí với từng đối tượng học sinh nam - nữ, vùng - miền khác nhau. Đó chính là cơ sở để các em chọn học nghề trong tương lai.

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Diên Khánh, Khánh Hoà)

Có nên bỏ ngay cộng điểm nghề thi vào lớp 10?

Có nên bỏ ngay cộng điểm nghề thi vào lớp 10?

 Dự kiến bỏ việc cộng điểm học nghề khi xét tuyển vào lớp 10 đang tạo ra những tâm lý khác nhau giữa học sinh, phụ huynh và người làm giáo dục.

Tuyển sinh vào 10: Không được cộng điểm khuyến khích

Tuyển sinh vào 10: Không được cộng điểm khuyến khích

Bộ GD-ĐT mới công bố, sẽ bỏ quy định sở GD-ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Như vậy điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng.