UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian giãn cách xã hội.

Không điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021 chủ yếu phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch bệnh và khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó hiệu quả và thời gian khống chế dịch bệnh sẽ quyết định đến sự ổn định lao động, quá trình phục hồi hoạt động của doanh nghiệp và đưa địa phương vào trạng tháng "bình thường mới" giai đoạn sau giãn cách.

Trên cơ sở nhận định tình hình, kịch bản tăng trưởng quốc gia và tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh Bình Dương  xây dựng 02 kịch bản tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021.

Kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10/2021, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi nhanh chóng nên Chỉ số sản xuất công nghiệp được phục hồi ở mức trên 8%, xuất khẩu được duy trì tăng trên 22%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 14%... dự kiến tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) sẽ đạt khoảng 7% (Kế hoạch đề ra 8,5 – 8,7%).​​

Trường hợp đến tháng 12 dịch bệnh mới được kiểm soát. Theo đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi ở mức khoảng 7,5 - 8%, xuất khẩu được duy trì tăng trên 7,6%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 12,3%... thì dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt khoảng 6,4% (thấp hơn Kế hoạch).

{keywords}
Bình Dương đang khoanh vùng nguy cơ cao để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh" với quyết tâm đến ngày 15/9/2021 trở lại trạng thái bình thường mới.

Mặc dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn kiên định với "mục tiêu kép", huy động cả hệ thống chính trị để dập dịch hiệu quả, đồng thời tập trung duy trì phát triển kinh tế-xã hội và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021. UBND tỉnh thống nhất đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn, không điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 để giữ quyết tâm cao nhất nhằm huy động sức mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức, đồng lòng phấn đấu để thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất trong điều kiện khó khăn.

Từng bước đưa sản xuất trở lại nhanh nhất có thể

Là địa bàn có nhiều khu công nghiệp quy mô, lượng lao động tập trung lớn, Bình Dương thực hiện nhiều phương án nhằm làm giảm tác động của dịch bệnh.

Ngay trong tháng 9/2021, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thần tốc hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tận dụng tối đa thời gian và nguồn lực để chống dịch với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình diễn biến mới của dịch bệnh và chiến lược sàng lọc "làm đến đâu, sạch đến đó"; kêu gọi, vận động người dân tích cực hưởng ứng, tham gia phòng, chống dịch… Đồng thời triển khai xây dựng các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp sản xuất an toàn.

Bình Dương đang khoanh vùng nguy cơ cao để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh" với quyết tâm đến ngày 15/9/2021 trở lại trạng thái bình thường mới. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch cho phép doanh nghiệp ở “vùng xanh” hoạt động trở lại, bố trí nơi ở cho công nhân đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trong một cuộc họp mới đây đã nhấn mạnh, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021 chủ yếu phụ thuộc vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN. Tỉnh vẫn tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động với điều kiện tuân thủ triệt để yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm trong nhà máy, DN.

Trên tinh thần phấn đấu thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất, trước mắt Bình Dương tận dụng tối đa thời gian và nguồn lực để chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Trước mắt triển khai thần tốc hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp sản xuất an toàn; về lâu dài cần tập trung triển khai hiệu quả 05 giải pháp trọng tâm.

Hiện, toàn tỉnh có trên 1.300 nhà máy duy trì sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” với 146.682 lao động. Sau khi được tiêm vắc xin tại doanh nghiệp và trong khu dân cư ở địa phương, các doanh nghiệp bắt đầu đăng ký thực hiện mô hình sản xuất mới chủ yếu theo hình thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" với 141 doanh nghiệp đăng ký 21.678 lao động (trung bình 153 lao động/doanh nghiệp), đạt 37% so với mức lao động ngày thường.

Ngoài việc ưu tiên tiêm ngừa Covid-19, bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn quyết định hỗ trợ một phần tiền phòng trọ, lương thực, thực phẩm cho hàng trăm ngàn lao động khó khăn. Đó cũng chính là sự đồng hành ý nghĩa của địa phương đối với DN, từng bước đưa sản xuất trở lại nhanh nhất có thể.

Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025

Kết luận phiên họp chiều 31/8, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 rất quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn này, do đó đề nghị các các huyện, thị, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương tập trung nghiên cứu, góp ý bổ sung dự thảo kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, việc bố trí vốn cần ưu tiên cho lĩnh vực giao thông, nhất là giao thông kết nối vùng, tạo quỹ đất sạch để chủ động trong công tác đầu tư công; thực hiện tốt công tác quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định để hoàn thiện dự thảo kế hoạch, trình HĐND tỉnh thông qua.

Trong những tháng cuối năm 2021, tỉnh tăng cường công tác thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và kết thúc dự án bằng các hình thức trực tuyến. Đẩy mạnh công tác lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc, đi lại và hội họp giữa các địa phương. Rà soát, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2021 phù hợp với tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công; kiên quyết cắt bỏ, tạm ngừng các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, chưa cân đối được nguồn vốn. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc di dời các công trình kỹ thuật như hệ thống điện và trạm biến áp, cấp thoát nước,... phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án…

Cửu Long