Trên tuyến biển, tình hình tội phạm ma túy đang diễn biến rất phức tạp. Ngoài lợi dụng chính sách thông thoáng để vận chuyển ma tuý theo con đường chính ngạch, các đối tượng còn vận chuyển ma tuý theo con đường tiểu ngạch.

Đặc biệt, tại khu vực Biển Đông, rộng hơn là khu vực Đông Nam Á, tuyến vận tải biển nổi lên như là một trong những tuyến mà đối tượng tội phạm đang lựa chọn để vận chuyển, buôn bán ma túy trái phép.

Bóc gỡ, triệt phá nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy trên vùng biển Việt Nam

Chia sẻ với TTX Việt Nam về tội phạm ma túy qua vùng biển Việt Nam, Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho hay không riêng vùng biển Việt Nam, tình hình tội phạm ma túy trên toàn thế giới rất phức tạp. Các đối tượng tội phạm từ nhiều quốc gia câu kết với nhau khiến lực lượng chức năng, đặc biệt là Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol đấu tranh rất vất vả.

{keywords}
Cảnh sát biển xác định và coi nhân dân, ngư dân của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển là một mạng lưới hết sức quan trọng. Đây chính là tai mắt của Cảnh sát biển.

Đối với Việt Nam, các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy hầu hết đều câu kết với các tổ chức, đối tượng nước ngoài. Chúng đưa ma túy vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đường bộ, đường hàng không đến đường biển.

Trên tuyến đường biển, lực lượng Cảnh sát biển đã nhận được sự chỉ đạo rất sát sao của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Các cơ quan chuyên môn đã tập trung làm tốt nghiệp vụ cơ bản, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển là tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển; đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật gắn với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong nhiều năm qua, Cảnh sát biển triệt phá, bắt giữ các đối tượng phạm tội, tổ chức tội phạm quốc tế trên đường biển như cướp biển, tội phạm về ma túy, tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, rất nhiều chuyên án, vụ án lớn về mua bán, vận chuyển ma tuý trái phép đã được bóc gỡ, triệt phá.

Tại khu vực Biển Đông, tình hình tội phạm ma túy diễn biến rất phức tạp. Điều đó thể hiện qua những chuyên án mà Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng bắt giữ như vụ hơn 8 tấn nhựa cần sa sản xuất ở khu vực Nam Mỹ vận chuyển qua rất nhiều nước trên thế giới và đến Việt Nam đã bị bắt giữ. Năm 2019 - 2020, ngư dân Việt Nam vớt được hàng trăm kilôgam ma túy tổng hợp trên biển và giao nộp cho Cảnh sát biển.

Thiếu tướng Trần Văn Nam cho biết, mới đây, Cảnh sát Biển Ma-lai-xi-a, Cảnh sát Biển Cam-pu-chia thu giữ được hàng trăm kilôgam ma túy tổng hợp trôi dạt trên vùng biển hai quốc gia này. Ma-lai-xi-a đã bắt giữ được một tổ chức vận chuyển ma túy bằng đường biển.

Nhiều thủ đoạn mới, tinh vi của tội phạm ma túy trên đường biển

Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, thời gian qua với giao thương hàng hóa phát triển rất nhanh chóng, các dịch vụ logictics ngày càng tấp nập, sôi động. Dịch vụ này được thực hiện liên hoàn rồi bên cạnh đó là đơn giản hóa các thủ tục hải quan như phân luồng hàng hóa. Các đối tượng lợi dụng những chính sách thông thoáng theo tập quán quốc tế trong xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thông quan hàng hóa để vận chuyển hàng hóa có ma túy sang các quốc gia khác.

Ngoài lợi dụng chính sách thông thoáng trong xuất, nhập khẩu để vận chuyển ma túy theo con đường chính ngạch, chúng còn vận chuyển ma túy theo con đường tiểu ngạch. Đó là trà trộn, cất giấu ma túy trong các hành lý xách tay để tránh sự kiểm tra, kiểm soát, tránh bị soi chiếu hàng. Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng đã lén lút xuống tàu biển trước để vận chuyển ma tuý ra vị trí giao nhận hoặc đến các nước khác mà không thông qua các cửa kiểm soát hải quan.

"Chúng ta rất cần phải cảnh giác với thủ đoạn này", Thiếu tướng Trần Văn Nam nhấn mạnh. 

Thiếu tướng cho biết thêm, trong bối cảnh đó, có rất nhiều khó khăn mà lực lượng Cảnh sát biển luôn đang phải đối mặt. Đầu tiên là điều kiện về thời tiết. Thời tiết rất khắc nghiệt, không phải lúc nào cũng yên bình, giông lốc lại bất thường. Về cuối năm, toàn bộ khu vực biển phía Bắc là gió mùa Đông Bắc và sóng to, sương mù làm tầm nhìn rất hạn chế, không thể quan sát xa được. Do đó, việc quan sát và bám nắm các đối tượng rất khó khăn.

Còn nhớ, năm ngoái, Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức rất nhiều lượt tàu thuyền để bám các đối tượng trên biển. Việc bám nắm này gặp phải nhiều phức tạp vì để tránh bị lộ, một thời gian dài chúng tôi phải liên tục vận động, liên tục di chuyển, không thể ở một chỗ. Các đối tượng rất nhiều mánh khóe, thủ đoạn để nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Nếu không bắt quả tang, chắc chắn sẽ không xử lý được.

Ngư dân là tai mắt của Cảnh sát biển

Vấn đề nữa là các đối tượng tội phạm ma tuý luôn có vũ khí nóng cất giấu trên các phương tiện, sẵn sàng bắn và chống trả quyết liệt. Có vụ chúng tôi đã thu giữ cả những khẩu súng trung liên trên tàu biển. Nếu như chúng ta không vô hiệu hóa được và không có các phương pháp đấu tranh phù hợp để đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, thương vong rất cao. Ngoài ra, nếu không phối hợp tốt với lực lượng Cảnh sát quốc tế, lực lượng Hải quan của các quốc gia, Cảnh sát biển cũng rất khó để cập nhật các thông tin.

Bởi vậy, Cảnh sát biển xác định và coi nhân dân, ngư dân của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển là một mạng lưới hết sức quan trọng. Đây chính là tai mắt của Cảnh sát biển.

"Chúng tôi đã nhận được rất nhiều thông tin phản ánh từ ngư dân về tình hình vi phạm pháp luật, kể cả tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn sát cánh cùng ngư dân để thực hiện tốt chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên biển của chúng ta", Thiếu tướng Trần Văn Nam cho hay.

Hồng Nhì - Ảnh Thu Hằng