Mới đây, PGS.TS Hồ Trọng Hoài, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ với báo chí: Công bằng là một trong những giá trị lớn mà Đảng ta theo đuổi. Đây là một giá trị lớn mà nhân loại cũng đang theo đuổi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán và kiên trì thực hiện mục tiêu công bằng. Nội hàm của chủ trương này, mục tiêu này có nhiều khía cạnh, nhưng tôi nghĩ có 2-3 khía cạnh cơ bản.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Trước hết, Đảng ta chủ trương thực hiện công bằng xã hội tức là nhằm đảm bảo cho các thành viên xã hội được hưởng thụ tương xứng với đóng góp của họ cho xã hội. Thứ hai, không chỉ đảm bảo sự tương xứng giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa đóng góp và hưởng thụ, mà công bằng còn được hiểu và được thực hiện như là tạo ra cơ hội bình đẳng cho các thành viên trong xã hội có thể tiếp cận được các cơ hội phát triển, các nguồn lực xã hội để mỗi cá nhân có thể phát triển.

Cùng với khía cạnh đó, công bằng xã hội mà Đảng ta theo đuổi còn bao hàm khía cạnh đảm bảo cho cuộc sống của mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những người yếu thế, những nhóm xã hội có khó khăn, đảm bảo thực hiện an sinh xã hội, thực thi triết lý “không để ai bỏ lại phía sau”.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn bộ phận cán bộ đảng viên, người dân dao động hoài nghi về mục tiêu của chúng ta hướng đến, về con đường chúng ta đang đi. Nhưng có một điều đã trở thành chân lý, đó là thực tiễn phải là tiêu chuẩn. Tôi nghĩ rằng, thông qua thực tiễn xây dựng phát triển đất nước, sớm hay muộn, người dân sẽ nhận ra và đồng tình với đường lối của Đảng và Nhà nước. "Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là mục tiêu nhất quán và xuyên suốt trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng cũng như chính sách và pháp luật của Nhà nước", ông Hoài nhấn mạnh.

Văn Điệp (lược trích)