Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), năm 2020, tổng diện tích rừng được hỗ trợ quản lý bằng tiền DVMTR là 6,5 triệu ha, chiếm 44% tổng diện tích rừng toàn quốc, trong đó 2,7 triệu ha của chủ rừng là tổ chức khoán quản lý bảo vệ cho 30.233 cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ và tổ chức khác.

Tiền DVMTR đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có tiền nâng cao đời sống. Về kết quả thu chi tiền trồng rừng thay thế, từ năm 2015 đến nay, VNFF đã tiếp nhận 11,5 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế các tỉnh Bình Dương, Hà Nam để ủy thác trồng rừng tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Bắc Kạn.

{keywords}
Đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng cho mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh minh họa

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay đã có thêm hai loại DVMTR mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản được áp dụng triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Riêng đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước, hiện đã có 25 tỉnh, thành phố xác định được danh sách các cơ sở phải nộp tiền DVMTR, ký được 214 hợp đồng với số tiền thu được là 3,65 tỷ đồng, nâng tổng số hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR trên cả nước lên 871 hợp đồng.

Tuy vậy, theo phản ánh của ngành lâm nghiệp các địa phương, hiện nay, tại nhiều nơi, công tác thu phí DVMTR để chi trả cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Hiện năng lực sử dụng DVMTR của ngành thủy điện vẫn là chủ yếu, trong khi tại nhiều địa phương có rừng, do không có doanh nghiệp thủy điện sử dụng dịch vụ nên không có khoản thu.

Mặt khác, ngoài số ít địa phương có các doanh nghiệp thủy điện lớn, thì còn lại hầu hết là nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, công suất thấp nên tiền đóng góp cho DVMTR không nhiều. Để đẩy mạnh công tác trồng rừng sản xuất, nhiều hộ gia đình phải vay vốn ngân hàng, trong khi việc thu hồi vốn đối với rừng sản xuất khá lâu, có khi còn gặp rủi ro do thiên tai, cháy rừng…

Luật Lâm nghiệp quy định các loại DVMTR, bao gồm: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản. Nhưng thực tế nguồn thu của các loại hình dịch vụ này mới tập trung chủ yếu vào hai loại chính là thủy điện và du lịch. Hai loại DVMTR mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản thì mới được áp dụng để triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị đánh giá DVMTR là một trong những tiềm năng lớn của rừng, đóng góp cho ngành lâm nghiệp phục vụ phát triển bền vững của đất nước.

Do đó, năm 2021 sẽ tiếp tục rà soát hồ sơ để trình Chính phủ ban hành quyết định thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc chi trả tiền DVMTR đến tận người dân; đôn đốc, hướng dẫn thu các loại DVMTR mới, cùng với đó là nghiên cứu, mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác để phát triển thêm các nguồn thu mới; hoàn thiện cơ chế chia sẻ lợi ích đối với nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Thái An