Kết quả nghiên cứu mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp cho thấy, sử dụng kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp có thể giải quyết xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực.

Nghiên cứu điển hình tại TP Cần Thơ chỉ rõ, nếu ứng dụng trên cả khu vực trồng lúa, mô hình này có thể sản xuất lượng điện sạch gấp 5 - 7 lần nhu cầu tiêu thụ điện của Cần Thơ. Nếu loại bỏ khu vực trồng lúa, mô hình này vẫn có khả năng đáp ứng 40 - 70% nhu cầu điện hàng năm của thành phố. Đồng thời, mô hình giảm phát thải carbon từ 8 - 13 triệu tấn/năm.

nangluong.jpg

Trong thời quan qua, tại ĐBSCL, bà con đã làm điện mặt trời trên các đầm tôm. Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình lắp đặt tấm pin mặt trời trên các ao chứa nước và lắng lọc, trừ ao nuôi. Nhờ đó, các đầm tôm tận dụng ngay nguồn điện ổn định từ pin năng lượng mặt trời, phần lớn còn lại phát lên lưới quốc gia. Mô hình kết hợp mang lại lợi ích kép, tăng thu nhập lên 2 - 3 lần.

Không chỉ kết hợp điện mặt trời trên các ao nuôi tôm, tại các tỉnh ĐBSCL bà con còn kết hợp điện mặt trời với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ghi nhận, tại tỉnh An Giang đã thực hiện lồng ghép ở những nơi khó khăn về điện hoặc tiêu thụ điện nhiều ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú… Hiện, toàn tỉnh có khoảng 20 mô hình kết hợp với sản lượng 1 - 5 kWp/mô hình, cho thấy hiệu quả rõ rệt khi bảo đảm nguồn điện ổn định nhờ tận dụng nguồn điện từ pin mặt trời. Có những cơ sở thấy hiệu quả đã nâng công suất lên 20 - 30 kWp. Một số doanh nghiệp lớn đang làm dự án đầu tư trang trại bò sữa, nuôi cá tra gắn với nguồn điện mặt trời tại chỗ.

Còn ở Hậu Giang, nơi có trung bình bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,3 - 4,9kwh/m2/ngày, số giờ nắng bình quân từ 2.200 - 2.500h/năm, tỉnh đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích quy hoạch  5.200ha và có trên 60 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là những điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời áp mái cũng như làm mô hình kết hợp nông nghiệp với điện mặt trời.

Với diện tích đất bình quân 1,2ha có thể đầu tư 1MWp trên nhà kính hoặc mái nhà trang trại để làm nông nghiệp bên dưới như trồng nấm, trồng rau hoặc các loại cây phù hợp, nuôi bò cao sản, nuôi gà, nuôi heo, nuôi dế… Doanh thu từ tiền điện tiết kiệm được và tiền bán điện có thể hoàn vốn cho toàn bộ cơ sở vật chất của trang trại sau 6 - 8 năm với giá bán điện 1.943 đ/kw như hiện nay. Nhờ đó, hiện tỉnh thu hút gần 100 nhà đầu tư đến tìm hiểu và xin chủ trương đầu tư điện mặt trời áp mái trên trang trại với tổng công suất đăng ký 212MW.

Tới nay, Công ty Điện lực Hậu Giang đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối lên lưới điện 22Kv với tổng công suất 45MW; 563 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, tổng công suất 13.599kWp.

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm nhiệt điện khí của cả nước. Từ khi vận hành vào tháng 5.2007 đến nay, những Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 đã cung cấp 84 tỉ kWh điện, tổng doanh thu đạt hơn 117.000 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương hơn 2.900 tỉ đồng.

Cà Mau cũng triển khai thêm 2 dự án nhiệt điện khí mới là Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 3, công suất 1.500MW và dự án nhiệt điện khí đầu tư nước ngoài công suất 3.000MW.

Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến năm 2035, toàn khu vực ĐBSCL sẽ có trên 68.600MW tiềm năng điện gió và hơn 31.500MW tiềm năng điện mặt trời.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: Các dự án điện đang quy hoạch tại ĐBSCL, nếu triển khai tốt sẽ là nơi cung cấp điện cho các vùng, miền khác. 

Và ĐBSCL sẽ sớm trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và có khả năng xuất khẩu điện từ những dự án điện tái tạo, điện khí, nhiệt điện đang triển khai.

Nguyễn Thảo