Ngày 1/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010. 

Đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững 

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đồng bằng sông Cửu Long luôn là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước.

{keywords}
Quy hoạch vùng ĐBSCL: “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường”. Ảnh minh họa

Vùng có vị trí địa chính trị và địa quân sự rất quan trọng; là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất của Đông Nam Á, là vựa lúa của cả nước; là địa bàn sinh sống, gắn bó, đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm...; có nền văn minh sông nước độc đáo không chỉ với Việt Nam, khu vực mà trên thế giới.

Với ý nghĩa, vai trò như vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW nhằm xác định những định hướng, mục tiêu, giải pháp để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của vùng.

Năm 2012, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sơ kết thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết, trên cơ sở đó ban hành Kết luận 28-KL/TW ngày 14/8/2012 Bộ Chính trị khóa XI.

Kết luận 28-KL/TW xác định vùng Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển; xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia...

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch, phát triển đúng hướng, với quy mô, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Vùng đã khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước.

Các chương trình phục vụ an sinh xã hội đã góp phần ổn định cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng ngập lũ. Thế trận quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được củng cố…

Tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW 

Bên cạnh những mặt tích cực, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng chỉ rõ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tốc độ phát triển của vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. 

Để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu… của Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW.

Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng Đề án, cần đánh giá khái quát vị trí vùng, tương quan với các vùng trong cả nước và với quốc tế; cần chú ý đến một số yếu tố về nông nghiệp, đất đai, nhân lực, đảm bảo phát triển bền vững.

Nhiều ý kiến cũng đề cập đến vấn đề lồng ghép khoa học-công nghệ vào từng lĩnh vực, quan tâm đến môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng-an ninh, tăng cường liên kết vùng; chú ý đến văn hóa đồng bào dân tộc...

Một số địa phương kiến nghị về các giải pháp đột phá cho phát triển hạ tầng, đầu tư, vấn đề sinh kế của người dân; giải pháp hỗ trợ cho các tỉnh và cần có cơ chế cho vùng.

Hằng Nga