Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, đối với xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò then chốt, từ đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Hà Nội sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bảo đảm phù hợp với quy hoạch và bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị. Trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị, nhất là với các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phát triển lên quận giai đoạn 2021-2025... Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020)...

{keywords}
Hà Nội đầu tư khoảng 92.680 tỷ đồng cho điểm tựa nông thôn

Đối với nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Thành ủy Hà Nội chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, việc cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất sẽ tập trung quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp...

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực chế biến sâu. Thành phố cũng sẽ đơn giản các thủ tục đăng ký cấp giấy phép kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công; tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, thuế, xúc tiến thương mại, đào tạo...

Về phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như: Mỗi năm thành lập mới từ 70 hợp tác xã trở lên, hỗ trợ ít nhất từ 50 hợp tác xã trở lên thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; triển khai chính sách thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trên đại học về làm việc tại các hợp tác xã...

Mặt khác, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn thông qua việc hỗ trợ thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn; đồng thời đầu tư xây dựng mới và cải tạo các chợ đầu mối, chợ dân sinh nông thôn.

Về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội, xây dựng miền quê đáng sống; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm xã hội...

Tin tưởng rằng, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025 sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ cho "tam nông" phát triển nhanh, bền vững, để nông thôn Hà Nội thực sự trở thành những miền quê đáng sống.

Văn Lệ