Theo đó, đến hết ngày 3/11, Bảo hiểm xã hội tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận gần 178.837 hồ sơ xin trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, cơ quan này đã xét duyệt cho trên 147.483 hồ sơ đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Tây Ninh đã gửi thông báo giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ 1% xuống còn 0%) cho 1.910 đơn vị sử dụng lao động, với 142.235 lao động đủ điều kiện giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, với thời gian được giảm là 12 tháng (từ 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022), có tổng số tiền tương ứng giảm khoảng hơn 84 tỷ đồng.

{keywords}
Người lao động trở lại làm việc ở phía Nam 

Bảo hiểm xã hội Tây Ninh cũng đã rút ngắn 50% thời gian giải quyết hồ sơ (theo quy định 10 ngày làm việc) đối với hồ sơ đúng, đủ thông tin, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người lao động sớm nhận được hỗ trợ và người sử dụng lao động được giảm trừ mức đóng bảo hiểm thất nghiệp kịp thời; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Cơ quan này khuyến khích người thụ hưởng chính sách được nhận tiền chi trả thông qua tài khoản cá nhân tại các ngân hàng; đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền; giải đáp, hỗ trợ, tư vấn để người lao động, người sử dụng lao động biết về các chính sách hỗ trợ; tăng cường công tác hướng dẫn, trả lời câu hỏi, vướng mắc liên quan đến chính sách.

Dự kiến Bảo hiểm xã hội tỉnh Tây Ninh sẽ hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động trước ngày 20/12/2021 (sớm hơn 10 ngày so với yêu cầu của Chính phủ), với số lao động được hưởng hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 235.000 người. Mức nhận hỗ trợ từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng/người, với tổng số tiền khoảng trên 549 tỷ đồng.

Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động lớn, khiến không ít người lao động mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, có thể nói, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy vai trò, hiệu quả; là điểm tựa hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động. Qua đó, hỗ trợ người lao động học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, tìm việc làm mới, nhằm giúp họ sớm trở lại thị trường lao động.

Tăng cường kết nối việc làm cho người lao động

{keywords}
Tây Ninh sớm triển khai nhiều giải pháp khôi phục sản xuất, qua đó kết nối việc làm cho người lao động

Từ nhiều tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tây Ninh đã chủ động chuyển đổi việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết Bảo hiểm thất nghiệp theo hình thức trực tuyến thông qua e-mail, ứng dụng Zalo kết hợp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, nhằm đảm bảo người lao động thất nghiệp được giải quyết hồ sơ kịp thời, sớm nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, công tác kết nối việc làm, tạo điều kiện cho người lao động mất việc sớm tìm được việc làm mới, ổn định đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Thống kê tính đến cuối 10/2021, tổng số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 2.680 đơn vị, với 223.675 lao động. Trong đó, số công ty, doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh là 1.505 doanh nghiệp. Số đơn vị giảm quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh là 247 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do đại dịch Covid -19 là 928 doanh nghiệp. Số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp 117.148 người.

Số lao động phải tạm ngưng làm việc do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 93.948 người, số lao động chấm dứt hợp đồng lao động 12.579 người.

Bên cạnh đó, do giãn cách xã hội, hàng loạt lao động tự do trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào tình trạng thất nghiệp, cuộc sống càng thêm khó khăn, thu nhập bị giảm sâu so với trước khi có dịch bệnh.

Trong khi đó, về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động tuyển dụng trực tiếp tại doanh nghiệp phải hạn chế tối đa; các sàn giao dịch việc làm cũng phải tạm dừng; nhiều lao động phải thực hiện cách ly y tế do liên quan đến dịch bệnh; phát sinh thêm chi phí do thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Vì thế, số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong thời gian qua không nhiều. Cụ thể, trong tháng 10/2021 chỉ có 75 doanh nghiệp ở Tây Ninh tuyển dụng với 3.870 lao động, bao gồm: ngành công nghiệp cần 3.355 người, ngành nông - lâm - thủy sản cần 105 người, ngành thương mại - dịch vụ cần 410 người...

Tuy nhiên, theo dự báo với những chính sách khôi phục sản xuất kinh doanh của tỉnh, nhiều khả năng trong 2 tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tăng cao.

Trước đó, từ đầu tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát người về từ các địa phương, nhu cầu việc làm các doanh nghiệp đăng tải thông tin lên sàn giao dịch việc làm để gắn kết người lao động và người sử dụng lao động, tạo việc làm, đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan giải quyết vấn đề lao động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhu cầu việc làm, thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp để người lao động biết, đăng ký tham gia tuyển dụng.

Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh làm việc với các doanh nghiệp, các công ty trong khu công nghiệp về nhu cầu lao động; phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để người lao động đăng ký, tham gia tuyển dụng làm việc.

UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát người về từ các địa phương và nhu cầu tìm việc làm, kỹ năng, sở trường và công việc đã có kinh nghiệm, lập danh sách gửi Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp giới thiệu đến các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Mới đây, ngày 21/10, UBND tỉnh Tây Ninh đã có phương án tổ chức đưa, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố di chuyển đến làm việc, nhằm khôi phục sản xuất tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 

Thuỳ Mi