Một chiều tháng 4, người phụ nữ có làn da ngăm đen đi lại thoăn thoắt  trong khu nhà trồng nấm tại thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh, (Quảng Ninh, Quảng Bình). Nhìn qua chắc nhiều người sẽ nghĩ chị là một “nhà nông”  trồng lúa chính hiệu hơn là chủ một trang trại trồng nấm quy mô lớn  do  chính tay chị thiết kế, với số vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng. Cơ ngơi này là thành quả sau biết bao năm không ngừng nỗ lực, cố gắng của bản thân chị.

Dẫn chúng tôi vào thăm khu vực trồng nấm đang độ thu hoạch, chị Trương Thị Toan thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh cười rạng rỡ: “Đây là đợt thu hoạch không biết lần thứ bao nhiêu của gia đình tôi rồi các anh chị ạ”.

{keywords}
Nhờ Nấm mà gia đình chị Trương Thị Toan thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh, (Quảng Ninh, Quảng Bình) có thu nhập ổn định.

Chị Toan kể, sau sự cố môi trường biển, cuộc sống của gia đình chị gặp không ít khó khăn, vất vả.

Không cam chịu cảnh đói nghèo, chị bàn với chồng quyết tâm thay đổi cuộc sống gia đình. Ban đầu, chị đã tìm tòi các mô hình hay, các gương điển hình làm kinh tế giỏi trên sách, báo để đọc, tham khảo và học hỏi thêm các biện pháp áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi.

Đang loay hoay không biết chọn hướng đi nào cho phù hợp, một lần tình cờ,  chị xem một chương trình trên tivi về mô hình trồng nấm cho hiệu quả cao, vốn đầu tư ít và rất phù hợp với điều kiện phát triển ở địa phương, có thể tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có của nhà nông, như: rơm rạ, mùn cưa..

Từ đó, chị Toan đã mạnh dạn bắt tay vào trồng nấm.

“Năm 2017, sau khi nghiên cứu mô hình trồng nấm ở nhiều nơi, tôi quyết định trồng thử nghiệm nấm sò”, chị nhớ lại.

Từ số vốn tích góp được, hai vợ chồng chị đã mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ ngân hàng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị sản xuất nấm.

Hồi đó, mặc dù chị đã có kiến thức cơ bản nhưng khi bước vào sản xuất thực tế, chị lại gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí thất bại ngay lần đầu tiên khi nhiều bịch nấm bị mốc, hỏng.

Thế nhưng không nản chí, chị quyết tâm tìm hiểu kinh nghiệm của những người đi trước và mày mò thực hành. Kiên trì theo dõi, thay đổi quy trình sản xuất, những đợt nấm tiếp theo thành công như mong đợi.

Chị Toan cho hay, “Nấm sò là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, nấm dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công nên cần sự chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ. Để tạo môi trường tốt, cần cung cấp đủ nước, độ ẩm và thu hái, bảo quản đúng kỹ thuật. Gia đình tôi luôn chú ý đến việc trồng nấm theo hướng an toàn”.

Theo chị Toan, chi phí để tạo ra 1kg nấm thành phẩm sẽ khoảng từ 15.000-16.000 đồng, nhưng thu hồi vốn cao gấp 4-6 lần.

“Với quy mô hơn 7.000 bịch nấm sò, giá thị trường trung bình khoảng từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lãi từ 100-150 triệu đồng/năm”, chị nói.

Giúp phụ nữ nghèo làm giàu trên chính mảnh đất quê hương

Được biết, hiện trên địa bàn xã Hải Ninh có 25 chị em phụ nữ hiện đang phát triển mô hình trồng nấm. Những mô hình này tập trung nhiều nhất ở thôn Xuân Hải, Cừa Thôn...

Bên cạnh mô hình nấm sò của chị Toan thì mô hình trồng nấm linh chi của chị Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Cừa Thôn cũng được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn để tạo sinh kế, thoát nghèo.

Chị Hiền kể, năm 2017, chị tìm hiểu và nhận thấy nấm linh chi đỏ đem lại nguồn lợi kinh tế cao và thích hợp với điều kiện nuôi trồng tại địa phương. Sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm ở xã tổ chức, chị mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất gần 100 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng nấm.

{keywords}
Hiện trên địa bàn xã Hải Ninh có 25 chị em phụ nữ hiện đang phát triển mô hình trồng nấm.

Theo chị Hiền, Nấm Linh chi là loại nấm tương đối khó trồng nên đòi hỏi kỹ thuật cao, tất cả các khâu từ chọn nguyên liệu đến kỹ thuật hấp, ươm và quan trọng nhất là tạo độ ẩm phải được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận. Thông thường, nếu điều kiện thuận lợi thì sau 3 tháng có thể thu hoạch.

Hiện nay, chị Hiền thu hoạch 2 vụ nấm/năm với 6.500 bịch nấm linh chi. Giá bán giao động từ 550.000-700.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị thu về khoảng 200 triệu đồng.

Vào chính vụ, cơ sở sản xuất nấm của chị thu hút khoảng 10-15 lao động làm việc với mức lương từ 200.000-250.000 đồng/ngày.

"Thời gian tới, tôi sẽ thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nấm linh chi đỏ để mang sản phẩm nấm an toàn chất lượng đến với người tiêu dùng", chị Hiền tiết lộ.

Bà Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Ninh cho biết, Sau sự cố môi trường biển, nhằm tạo sinh kế cho chị em phụ nữ, Hội LHPN xã đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm cho chị em. Vì vậy, chị em đã biết chuyển đổi ngành nghề, áp dụng khoa học vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.

“Sắp tới xã sẽ tập trung hỗ trợ chị em thành lập Hợp tác xã sản xuất nấm tổng hợp, tiến tới xây dựng thương hiệu nấm trên quê biển Hải Ninh. Từ đó giúp chị em phụ nữ có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương", bà Nhâm cho hay.

Hoài Thanh
Ảnh: Tuấn Anh