Tiêm phòng vắc-xin nhằm tạo miễn dịch chủ động, đạt tỷ lệ bảo hộ cho đàn gia súc và duy trì mức kháng thể bảo hộ thường xuyên để phòng bệnh hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc; tạo thuận lợi để chăn nuôi phát triển ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ đó từng bước đẩy lùi và tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh truyền lây sang người nhằm giảm tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước do dịch bệnh gây ra.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Trên tinh thần đó, UBND huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vừa ban hành kế hoạch tiêm phòng gia súc đợt 1 năm 2021 trên địa bàn huyện.

Đồng thời tăng cường các biện pháp dự phòng tích cực và chủ động phát hiện kịp thời, bao vây, khống chế và quản lý dịch, không để dịch lây lan, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Khắc phục tình trạng thiếu cán bộ thú y ở địa phương, Huyện đã điều động cán bộ thú y các xã thành lập các tổ tiêm phòng theo cụm xã, tiêm theo hình thức cuốn chiếu, hết xã này thì chuyển sang xã khác.

Bên cạnh đó, Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi tự giác phối hợp trong công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lại số lượng gia súc, gia cầm hiện có trên địa bàn, báo cáo về UBND.

Thời gian tiêm dự kiến từ ngày 30-5 đến 30-6; tiêm đồng loạt hoặc riêng lẻ tùy vào tình hình chăn nuôi của mỗi địa phương. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách cấp huyện.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện cũng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các hộ chăn nuôi thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại. 

Minh Phúc