Trên địa bàn cả nước và tỉnh ta đã xuất hiện nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng.

Từ đầu tháng 1-2021, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xảy ra 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 2 hộ chăn nuôi thuộc xã Yên Khánh (Ý Yên) và xã Cộng Hòa (Vụ Bản).

{keywords}
 

Số gia cầm phải tiêu hủy là 1.577 con, trong đó có 767 con gà và 810 con vịt. Đồng thời xảy ra 12 ổ dịch viêm da nổi cục tại các hộ chăn nuôi gia súc của các xã bao gồm: Hồng Quang, Nam Hùng (Nam Trực); Giao Thiện, Giao Long, Giao Xuân, Hồng Thuận, Bình Hòa (Giao Thủy); Minh Tân (Vụ Bản); Xuân Phong (Xuân Trường); Nghĩa Trung, Nghĩa Phú và thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). Số bò mắc bệnh là 15 con, số bò tiêu hủy là 1 con.

Qua tìm hiểu tại các ổ dịch cho thấy, đối với bệnh cúm gia cầm A/H5N6, do thời tiết chuyển mùa lạnh thuận lợi cho virus cúm phát triển, gây bệnh.

Người dân chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh; chưa chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng chủng loại vắc-xin cúm cho gia cầm; việc phòng chống dịch tại các hộ chăn nuôi vẫn chưa được bảo đảm theo yêu cầu.

Phần lớn chuồng trại được làm ngay trong khu dân cư, không có các biện pháp triệt để ngăn chặn các nguồn bệnh xâm nhập. Các hộ chưa thực hiện đúng hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học…

Đối với bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, hiện chưa rõ nguyên nhân phát sinh một số ổ dịch tại các địa phương.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định, về dịch tễ đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do việc vận chuyển trâu, bò mang sẵn mầm bệnh vào địa bàn tỉnh (ổ dịch tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng xảy ra trên những bò thuộc dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò sinh sản” năm 2020. Bò được nhập về từ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào các ngày 27-12 và 31-12-2020).

Tại huyện Nam Trực, Vụ Bản có nhiều hộ buôn bán, giết mổ trâu, bò là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ để dịch bệnh xuất hiện, lây lan; người dân chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường để tiêu diệt mầm bệnh; chưa thường xuyên diệt côn trùng, ve, ruồi, muỗi để loại bỏ tác nhân truyền lây bệnh..

Đại diện lãnh đạo Sở NN và PTNT cho biết, khi phát hiện các ổ dịch, các cơ quan chức năng của ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đồng loạt các biện pháp dập dịch.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện lưu thông động vật, sản phẩm động vật, góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan.

Tại những nơi xảy ra dịch bệnh đã yêu cầu tạm dừng buôn bán, giết mổ, xuất nhập gia súc, gia cầm mẫn cảm với dịch bệnh đang xảy ra để nhanh chóng kiểm soát dịch.

Đối với những địa phương có ổ dịch và vùng uy hiếp dịch, người dân đã chủ động thực hiện tiêm phòng vaccine, tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Tuy nhiên, theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), trong điều kiện thời tiết độ ẩm cao, mưa mù kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày đêm lớn trong thời gian gần đây là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó có dịch cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục, bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng tiếp tục phát sinh và có những diễn biến phức tạp.

Khả năng dịch bệnh sẽ phát sinh và lây lan nếu không được phòng, chống hiệu quả, kịp thời; công tác kiểm dịch, kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Để ngăn ngừa dịch cúm gia cầm, ngành chức năng đã có khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi cần tuân thủ tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đặc biệt quan tâm đến việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, nhất là chuồng trại, lối ra vào, khu nhà kho, tập kết thức ăn thường xuyên.

Trong quá trình chăn nuôi, chính quyền và đội ngũ cán bộ thú y cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ và chủ động phòng, chống dịch ngay tại hộ. 

Gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, với tổng đàn đạt trên 9 triệu 722 nghìn con gia súc, gia cầm. Do vậy, việc chủ động phòng, chống giúp ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh trên gia súc gia cầm… sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì, thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bền vững.

Thu Hằng