Sinh thời, Nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương, đã đúc kết bản lĩnh, phẩm chất, tài năng của những nhà báo chân chính Việt Nam bằng cụm từ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Cụm từ này gần như đã trở thành câu nói cửa miệng trong đội ngũ những người làm báo nước ta và là niềm trân quý của đông đảo công chúng dành cho những người cầm bút chân tài thực đức.

Một thời, báo chí nước nhà được đại đa số công chúng quý mến, tin tưởng, nhà báo đi đến đâu cũng được đón tiếp thân thiện, cởi mở và cán bộ, người dân sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp thuận lợi.

Nhiều nhà báo sinh ra, trải qua chiến tranh được công chúng trân trọng gọi những cái tên ý nghĩa như “nhà báo chiến sĩ”, “sứ giả đưa tin”, “người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng”… Những câu cửa miệng như “báo đăng đây này”, “nói hay như đài” của người dân với hàm ý khẳng định những thông tin được đăng tải, phát sóng trên báo, đài là những nội dung đáng tin cậy, cần học tập, làm theo.

Sở dĩ người dân đặt trọn niềm tin vào cơ quan báo chí và nhà báo là bởi báo chí không chỉ làm tròn chức năng cung cấp thông tin trung thực, chuẩn mực cho công chúng, mà còn là sản phẩm văn hóa chứa đựng những giá trị chân - thiện - mỹ, góp phần làm đẹp thêm cuộc sống, làm giàu thêm đời sống tinh thần con người và xã hội.

Trong suy nghĩ của nhiều người dân, ngòi bút của nhà báo được ví như biểu trưng của công lý, lẽ phải và nhân văn. Với một bộ phận giới trẻ trong xã hội, được học, theo nghề và làm việc ở các cơ quan báo chí là niềm tự hào không chỉ của bản thân mà là niềm vui của cả gia đình, dòng họ, thầy cô và bạn bè thân thiết.

{keywords}
Nhà báo phải giữ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Ảnh minh họa

Không được phép xa rời chuẩn mực cơ bản của nghề báo

Tuy nhiên, những năm gần đây, một mặt báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng vẫn không ngừng đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của độc giả, để xứng đáng với vai trò “quyền lực thứ 4”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, dư luận xã hội đã xuất hiện những từ ngữ không hay về nghề báo, như “nhà báo đếm tầng”, “đánh hội đồng”, “truyền thông bẩn”, “báo ít, chí nhiều”, “bảo trợ truyền thông đen”, “nhóm nhà báo IS”...

Trong cuộc tọa đàm về phòng ngừa khủng hoảng truyền thông do một doanh nghiệp tổ chức cách đây chưa lâu, có ý kiến đã phát biểu thẳng thắn rằng, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thời nay không sợ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà lo sợ nhất là một bộ phận phóng viên, nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”. 

“Mắt cú” là nói gọi của từ “mắt cú vọ”. Khi nói đến “mắt cú vọ” là ám chỉ cái nhìn soi mói, rình mò để tìm cách gây hại người khác. “Lòng đen” hàm ý chỉ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đã bị hoen gỉ, mờ đục, u tối.

“Bút chém” hàm chỉ những người cầm bút có thái độ sách nhiễu, vòi vĩnh, dọa dẫm theo kiểu “đâm chém” nhằm tống tiền doanh nghiệp. “Túi đầy” nghĩa là túi có nhiều tiền, do việc làm báo đã lún sâu vào trục lợi, thương mại hóa.

Cụm từ “Mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy” nhằm ám chỉ, cảnh tỉnh, phê phán một bộ phận người cầm bút đã, đang rời xa những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của người làm báo cách mạng, bán rẻ lương tâm, chà đạp chuẩn mực đạo đức báo chí để lợi dụng nghề nghiệp kiếm chác lợi lộc, vinh thân, phì gia, làm ảnh hưởng nghiêm trọng vị thế, hình ảnh của giới báo nước nhà.

Đó chính là một bộ phận nhà báo đã bị chênh chao bản lĩnh, ngả nghiêng tâm thế, bị đồng tiền chi phối, bị danh lợi mê hoặc nên không làm tròn bổn phận, sứ mệnh thiêng liêng của người làm báo cách mạng.

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ rõ, trong đó không thể không nhắc đến yếu tố mặt trái nền kinh tế thị trường nhiều cám dỗ tác động mạnh mẽ vào mọi mặt đời sống, con người.

Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, người viết muốn đề cập một trong những căn nguyên dẫn đến thực trạng đáng buồn này là do nhà báo chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức văn hóa, chưa có tầm nhìn văn hóa về nghề báo, chưa có thái độ ứng xử văn hóa đúng mực trong hoạt động báo chí.

Đã theo đuổi, gắn bó với nghề báo, đừng ai đơn thuần nghĩ đây chỉ là công việc “kiếm cơm” như một số nghề nghiệp phổ thông khác, mà phải coi đây là một sứ mệnh cao cả để có thái độ ứng xử, hành nghề đúng đắn để xứng đáng với vị thế, vai trò của người “phò chính, trừ tà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng căn dặn.  

Khi đã dấn thân vào nghề báo, những người cầm bút cần thấm nhuần rằng, đã gọi là tác phẩm báo chí, dù lớn hay nhỏ, dù ngắn hay dài, dù đề cập bất cứ đề tài nào, thể hiện ở thể loại báo chí gì thì cũng không bao giờ được phép xa rời những chuẩn mực cơ bản của nghề báo là phản ánh, soi chiếu, nhận định, đánh giá mọi sự kiện, vấn đề của xã hội phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, công bằng, cân bằng và thông qua lăng kính chính trị, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của nhà báo.

Khi nhà báo có tri thức văn hóa dày dặn, tầm nhìn văn hóa sâu sắc, bản lĩnh văn hóa vững vàng thì ngòi bút sẽ góp phần tôn lên vẻ đẹp đời sống văn hóa con người và xã hội. Ngược lại, tri thức nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp, bản lĩnh non nớt sẽ làm cho ngòi bút của nhà báo dễ bị bẻ cong sự thật, từ đó tác động tiêu cực đến môi trường thông tin xã hội và khiến vị thế, hình ảnh người cầm bút bị coi thường, rẻ rúng trong con mắt công chúng.

Hoàng Hải