Bảo đảm an ninh thông tin trên biển, đảo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm thông tin và an ninh thông tin quốc gia. Qua đó, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đảo và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0, việc bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo nói riêng, an ninh thông tin quốc gia nói chung là tiền đề, yếu tố quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

{keywords}
Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền pháp luật cho ngư dân tại P.11, TP.Vũng Tàu.

Từ tình hình thực tiễn về các hoạt động thông tin tuyên truyền trên biển đảo của Việt Nam và nước ngoài hiện nay, Tư lệnh Cảnh sát biển, Trung tướng, TS. Nguyễn Văn Sơn trong một bài phân tích gần đây lưu ý: Chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tuyên truyền về an ninh, an toàn thông tin đối với các chủ thể (trong nước và nước ngoài) hoạt động trên biển. Nâng cao nhận thức về vai trò của an ninh thông tin trên biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường biển và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, nhân đạo.

Công tác tuyên truyền cần được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn, trình độ, nhận thức của đối tượng tuyên truyền. Đồng thời, cần xây dựng niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội đối với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vấn đề bảo đảm an ninh thông tin và chủ quyền biển đảo, kiên quyết làm thất bại âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo, thông qua môi trường mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng chống phá Đảng, Nhà nước ta.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp với đối tượng được tuyên truyền; tập trung vào những kiến thức cơ bản nhất và được “phổ thông hóa” gồm: các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh thông tin, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam; quy định về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng trong việc bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo,… Qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo lòng tin, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động, chủ động, tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh thông tin của Việt Nam.

{keywords}
Lực lượng Cảnh sát biển phối hợp cùng bộ đội Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các hoạt động thông tin đa dạng, phức tạp trên biển đảo và sự bùng nổ, phát triển như vũ bão của mạng Internet cho thấy nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin nói chung, an ninh, an toàn thông tin trên biển đảo nói riêng đang ngày càng cấp thiết, nặng nề, phức tạp hơn. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm phát triển và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu hiện tại, chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Bởi vậy, trong bối cảnh tình hình khu vực Biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp, Trung tướng, TS. Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, cần phải có sự vào cuộc, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó các bộ, ngành, lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin giữ vai trò nòng cốt.

“Các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng liên quan cần phải chủ động khắc phục khó khăn, kiên quyết, kiên trì, trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhằm bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của Việt Nam, gắn chặt với phát triển kinh tế, xây dựng đất nước”, Trung tướng, TS. Nguyễn Văn Sơn lưu ý.

Lê Thị Thúy Tình
Ảnh: Kiều Oanh