Mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp thả vườn mới được áp dụng vào các trang trại ở xã Ô Lâm (Tri Tôn, An Giang) từ đầu năm 2021 nhờ nguồn vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

{keywords}
Nuôi gà sinh học khỏi lo dịch cúm gia cầm

Tuy nhiên, mô hình này đã từng bước khẳng định vai trò và vị thế của mình. Dự kiến, đàn gà sau thời gian thả nuôi 3,5-4 tháng sẽ bắt đầu xuất chuồng. Trọng lượng mỗi con gà đạt từ 1,5-2kg. Giá bán được doanh nghiệp thu mua từ 55.000 đồng/kg trở lên (tùy thời điểm).

Các hộ có thể nuôi liên tục 3 vụ/năm. Với số lượng nuôi khoảng 5.000 con/vụ, sau khi trừ các khoản chi phí, như: chuồng trại (đất thuê), con giống, thức ăn, thuốc thú y… mô hình dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận trên 123 triệu đồng/năm.

Ông Tiêu Đình Hiếu Nhân Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ô Lâm chia sẻ, trước đây bà con nông dân trên địa bàn xã chủ yếu chăn nuôi truyền thống, không áp dụng khoa học kỹ thuật. Vì vậy chất lượng thịt kém, vật nuôi dễ nhiễm bệnh dịch, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi thấp.

UBND xã Ô Lâm đã thí điểm mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp thả vườn để giúp bà con nông dân tiếp cận với phương pháp chăn nuôi mới.

Ban đầu, mô hình triển khai tại ấp Phước Lộc với số lượng 5000 con. Nguồn giống có xuất xứ rõ ràng, được chọn lọc kỹ, đảm bảo quy trình phòng bệnh, kiểm dịch. Khi mang về nuôi, gà được tách riêng đủ số ngày theo quy định.

Chuồng trại nuôi gà xây kiên cố, tráng nền bằng xi măng, lót lớp đệm sinh học từ trấu trộn men vi sinh. Trong chuồng có mang ăn tự động. Tất cả đàn được tiêm các loại vaccine phòng bệnh theo lịch.

Lớp đệm lót sinh học giúp chuồng trại khử được mùi hôi, giảm thiểu nguy cơ phát tán bệnh tật, môi trường thông thoáng, không bị ô nhiễm. Mỗi tháng người nuôi sẽ rắc vôi bột, xịt thuốc sát khuẩn phòng chống cúm gia cầm.

Trước khi đem gà về nuôi cần chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện vật chất, kỹ thuật như: Chuồng nuôi, rèm che, cót quây, chụp sưởi ấm, máng ăn, máng uống. Tất cả phải được khử trùng trước khi sử dụng từ 5-7 ngày.

Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y, vaccine cần thiết cho đàn gà. Chuồng phải đảm bảo thoáng mát mùa hè, kín ấm vào mùa đông. Nền chuồng thiết kế đúng kỹ thuật, cao ráo, thoát nước.

Chất độn chuồng: Trấu, dăm bào sạch, dày 5cm -10cm được phun sát trùng trước khi sử dụng. Đảm bảo lưu thông không khí trong chuồng nuôi.

Rào chắn xung quanh vườn bằng lưới B40, lưới nilon, tre gỗ... tùy điều kiện nuôi của từng hộ. Ban ngày khô ráo thả gà ra sân, vườn để gà có khỏang không chơi, buổi tối cho gà về chuồng.

Trong chuồng dùng bóng đèn tròn 75W/1m2 chuồng để giữ nhiệt, tùy theo thời tiết mà tăng giảm lượng nhiệt bằng cách nâng hoặc hạ độ cao của bóng đèn.

Nếu gà nằm tụ quanh bóng đèn là gà bị lạnh, tản xa bóng đèn là nóng, nằm tụ ở góc chuồng là bị gió lùa và gà đi lại ăn uống tự do là nhiệt độ thích hợp. Thắp sáng suốt đêm cho gà trong giai đoạn úm để phòng chuột, mèo và để gà ăn nhiều thức ăn hơn.

Thường xuyên quan sát biểu hiện của đàn gà để kịp xử lý những bất thường xảy ra. Khi thời tiết thay đổi nên cho gà uống nước pha Electrolyte hoặc Vitamine C.

Phương thức nuôi an toàn sinh học giúp giảm tỷ lệ gà mắc bệnh, ít dùng đến thuốc, chi phí cho thuốc thú y giảm đáng kể. Đặc biệt khi xuất bán, trên gà không có dư lượng thuốc kháng sinh.

Bên cạnh thức ăn công nghiệp, gà được bổ sung thêm đạm từ thực vật, ăn ngô, cám, thóc. Sau khi  nuôi nhốt tập trung một thời gian, gà được thả ra vườn, nhờ vận động, ăn thêm thức ăn từ tự nhiên nên thịt gà săn chắc, ngọt.

Việc triển khai mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp thả vườn là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện chăn nuôi gặp khó khăn như hiện nay.

Trong thời gian tới, UBND xã Ô Lâm sẽ tuyên truyền, vận động bà con quanh vùng đến thăm quan, học hỏi và nhân rộng mô hình giúp bà con nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chăn nuôi cho bà con. Các lớp học sẽ trang bị kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước vượt nghèo.

Quang Sơn