Phú Thọ được biết đến là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, tương làng Bợ…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 75 làng nghề truyền thống, 503 hợp tác xã, 1.326 tổ hợp tác và một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đó là những vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất chè, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến.

Chính vì vậy, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn tỉnh này có nhiều lợi thế.

Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung - sản vật truyền thống của người Mường ở huyện Yên Lập và là 1 trong 8 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Xã Mỹ Lung có hơn 1.200 hộ làm nông nghiệp, trong đó có trên 70% số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà gáy. Năm 2018, diện tích lúa nếp Gà gáy đạt trên 70ha. Với mức giá cao gấp 3 - 4 lần so với các loại gạo khác, sản phẩm gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi này.

{keywords}
Bưởi đặc sản Đoan Hùng ở Phú Thọ là thương hiệu được người tiêu dùng đánh giá cao

Bưởi đặc sản Đoan Hùng ở Phú Thọ từ lâu nổi tiếng khắp cả nước bởi mùi thơm đặc biệt, vị ngọt mát, vỏ mỏng, tôm mọng nước là món quà mà bất kỳ du khách nào khi đến đây đều muốn được thưởng thức. Cũng chính về thế, bưởi Đoan Hùng đã được gắn thương hiệu đặc sản với tên gọi “Bưởi Đoan Hùng - Hương vị Đất Tổ”. Đây là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2006. Đến năm 2015, bưởi Đoan Hùng còn được công nhận là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Để duy trì, bảo vệ, phát triển thương hiệu bưởi Đoan Hùng cũng như nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc lên bưởi đặc sản Đoan Hùng. Từ khi được dán tem, nhãn, giá trị sản phẩm bưởi Đoan Hùng đã tăng từ 25 - 30%, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng trồng bưởi.

Một sản phẩm nổi bật khác là thịt chua Thanh Sơn. Đây là món ăn đặc sản của người Mường được chế biến từ hai thành phần chủ yếu là thịt lợn và thính rang xay mịn. Cùng với những nguyên liệu, các loại gia vị và cách thức chế biến độc đáo mà thịt chua Thanh Sơn có một hương vị đặc trưng riêng. Hiện nay, huyện Thanh Sơn có gần 30 cơ sở sản xuất thịt chua.

Vài năm gần đây, sản phẩm thịt chua đã được gắn với tour du lịch qua thị trấn Thanh Sơn, du khách vừa được ngắm cảnh đồi chè vừa được thưởng thức đặc sản thịt chua và trải nghiệm quy trình làm thịt chua. Đặc biệt thịt chua đã trở thành sản phẩm đặc trưng không thể thiếu cho du khách khi về với Đất Tổ.

Nhắc đến bánh chưng Đất Tổ không thể không nói đến huyện Cẩm Khê có bánh chưng Cát Trù hay bánh chưng làng cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì là niềm tự hào về một nghề truyền thống gắn liền với sự tích "Bánh chưng, bánh dầy" vùng Đất Tổ.

Nhiều du khách thập phương khi về Đất Tổ, nhất định phải mua những chiếc bánh chưng về làm quà. Từ đó, mà bánh chưng Cát Trù hay bánh chưng làng cổ Hùng Lô đã trở thành đặc sản yêu thích của cộng đồng người Việt.

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi cần thiết, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó, nâng cao vị thế các sản phẩm đặc trưng này trong mắt người tiêu dùng, giúp người dân có tâm lý lựa chọn các sản phẩm Việt cho đời sống gia đình.

Thu Hằng