Trong tháng 6/2021, tại 3 tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh đã xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8. Số gia cầm nhiễm bệnh đã được tiêu hủy theo quy định. Các trang trại chăn nuôi gia cầm xung quanh ổ dịch cũng được tiêm vắc-xin bao vây.

Người dân chủ động rắc vôi bột, phun thuốc khử khuẩn để phòng dịch bệnh lây lan bùng phát. Về cơ bản, các ổ dịch đã tạm thời được khống chế.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng vẫn còn rất cao, vì đến nay vẫn chưa truy vết được nguồn bệnh. Chủng cúm gia cầm A/H5N8 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá là chủng cúm nguy hiểm, có thể lây sang người.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Trước tình hình này, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Văn bản số 2851/UBND-KTN ngày 9/7/2021, về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao lây lan diện rộng.

Cụ thể: Theo thông tin của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), từ năm 2014 đến nay, chủng virus cúm gia cầm (CGC) thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng virus cúm A/H5N8 gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch cúm gia cầm do các chủng vi rút khác nhau gây ra tại hàng chục quốc gia.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị quyết liệt chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm; phát hiện sớm đàn gia cầm nghi mắc bệnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân và chỉ đạo thực hiện kịp thời các biện pháp nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các ổ dịch phát sinh, không để lây lan ra diện rộng.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm truyền lây giữa người và động vật, đặc biệt là bệnh virus cúm gia cầm chủng A/H5N8 và các chủng vi-rút có độc cao khác để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm sang người.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại gốc; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái pháp luật vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, tính chất nguy hiểm, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa bàn, các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch,… để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh; hướng dẫn các địa phương triển khai phương án ứng phó khi có ổ dịch virus cúm gia cầm phát sinh trên địa bàn.

Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh virus cúm gia cầm theo Kế hoạch số 4176/KH-UBND ngày 11/9/2019 về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 và các văn bản chỉ đạo có liên quan; đồng thời, hướng dẫn sử dụng loại vắc-xin có hiệu quả bảo hộ đối với chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

2. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan trong việc tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng, chống các chủng virus cúm gia cầm truyền lây sang người; chuẩn bị các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người để ứng phó kịp thời khi có ca bệnh xảy ra.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Cổng Thông tin điện tử tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về chủ động thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh CGC chủng A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao khác; phổ biến các qui định của pháp luật trong phòng, chống dịch để người dân chấp hành, nhất là không buôn bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh.

4. Các thành viên Ban chỉ đạo 389 của tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

5. UBND các huyện, thành, thị: Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC; rà soát tổng đàn và chỉ đạo tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm.

Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh trên đàn gia cầm, yêu cầu người dân khi phát hiện các trường hợp gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh phải báo cáo chính quyền, cơ quan chuyên môn về thú y để kịp thời tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân, nguồn lây, xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát ở phạm vi rộng.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định.

Chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để đảm bảo triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn.

6. Đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể: Chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, các sở ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tăng cường tuyên truyền đến các hội viên, cộng đồng dân cư về tình hình dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, các qui định về phòng chống dịch để người dân, người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và tố giác các trường hợp vi phạm quy định của nhà nước trong phòng, chống dịch như giấu dịch, bán chạy, vứt xác vật nuôi bị bệnh ra môi trường, buôn bán, vận chuyển độn vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.

Trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Phú Thọ quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát triệt để dịch cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng cúm gia cầm, không để tình trạng dịch chồng dịch. 

Hoài Linh