Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 thì việc đánh giá nền kinh tế thị trường Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng và có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc theo dõi và đánh giá thường kỳ mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam cần dựa trên một bộ chỉ số có tính quốc tế để so sánh với các nước trên thế giới.

Hiện nay có hai bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của các nền kinh tế trên thế giới: (1) Bộ chỉ số Index of Economic Freedom do Quỹ di sản (The Heritage Foundation) và Tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal) của Mỹ xây dựng từ năm 1995; (2) Bộ chỉ số Economic Freedom of the World do Viện Fraser Institute (Canada) xây dựng.

{keywords}
Việc theo dõi và đánh giá thường kỳ mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam cần dựa trên một bộ chỉ số có tính quốc tế để so sánh với các nước trên thế giới.

 

Như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này cũng đang dần thể hiện rõ ở Việt Nam hiện nay do nền kinh tế của Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp. Do đó đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của nước ta.

Mới đây, tại phiên đối thoại toàn thể của buổi tọa đàm Tọa đàm đối thoại chính sách về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam, các diễn giả đã trình bày một số nội dung: Sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam và những vấn đề đặt ra nhìn từ bộ chỉ số Economic Freedom of the World (EFW) của Fraser Institute, Canada; Kiến nghị giải pháp cải cách thể chế thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ. Đồng thời, các đại biểu còn được nghe trình bày về "Tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển: Kinh nghiệm trên thế giới" của diễn giả đến từ Canada qua hệ thống trực tuyến.

Có mặt tại sự kiện này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết chỉ tiêu kinh tế tự do có cái nhìn tổng hợp đầy đủ về tự do kinh tế với góc nhìn của nhà khoa học vừa về kinh tế, xã hội và môi trường thể chế. Ngay từ khi áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia năm 1993, Tổng cục Thống kê đã rất quan tâm và mong muốn phân loại theo khu vực thể chế và phân loại phân tổ kinh tế tại Việt Nam.

Bà Hương cho rằng cái nhìn về phân tổ thành phần kinh tế hay phân loại loại hình kinh tế dường như cần được thay đổi và được nhìn nhận một cách đầy đủ hơn theo cả ý nghĩa về mặt lý thuyết và thực tiễn ở quốc tế và Việt Nam. Ngày 23/3/2020, Bộ kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2020/TT-BKHĐT quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam, qua đó, Tổng cục thống kê đã nhận biết rõ được thế nào là khu vực thể chế theo quốc tế và khái niệm định nghĩa đến từng đơn vị thể chế.

"Với sự phân chia như vậy, các chính sách ban hành mới thực sự phù hợp", bà Hương nhấn mạnh đồng thời mong muốn trong thời gian tới sẽ có buổi thảo luận chi tiết hơn về thể chế với sự phối hợp của Ngân hàng nhà nước, các chuyên gia, cơ quan quốc tế; người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các chuyên gia trong nước để chúng ta có thể triển khai vận dụng khu vực thể chế này. 

Hồng Nhì, Lê Hiền