Với mục tiêu phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, theo hướng an toàn sinh học, giảm thiểu dịch bệnh gia súc, đồng thời phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.

Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển đàn lợn, đàn bò thịt, bò sữa chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, trang trại công nghệ cao với các giống cao sản và giống địa phương có tính tiềm năng. Đồng thời, xây dựng tối thiểu 2 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện vào năm 2025 và 3 vùng cấp huyện đến năm 2030

{keywords}
Tây Ninh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong tỉnh như: rơm, lá mì, lá mía, rỉ mật...

Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong và ngoài tỉnh.

Nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung các loại vật nuôi theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đang hoạt động. Kêu gọi đầu tư 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng. Dự tính, tổng công suất sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn tỉnh năm 2025 là 250.000 tấn/năm và đến năm 2030 là 300.000 tấn/năm.

Tầm nhìn đến năm 2045, chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, gia trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện môi trường, khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đồng thời, 100% sản phẩm thịt gia súc hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

Mạnh Hưng