Từ đầu năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song kinh tế của tỉnh Thái Bình tiếp tục phục hồi, tăng trưởng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước và đồng đều ở cả 3 khu vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,92% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu và thu ngân sách trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tốt, đứng trong tốp đầu cả nước.

{keywords}
Xí nghiệp may mặc ở huyện Hưng Hà

Tuy nhiên, những hệ lụy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Thái Bình là rất lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa chưa tiêu thụ được vẫn tiếp diễn, kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, lượng hàng hóa tồn kho lớn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh lương thực, hoạt động vận tải, du lịch và dịch vụ bị thu hẹp, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2021, UBND Thái Bình kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân trong tỉnh đồng sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo, dấy lên cao trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2021.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng nhấn mạnh, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước diễn biến phức tạp, khó lường, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng những cơ hội mới, nhất là xu hướng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. 

Theo số liệu thống kê của tỉnh Thái Bình, nửa đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm an sinh xã hội.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của hệ thống chính trị cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình cơ bản ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội...  

Tỉnh Thái Bình hiện có hơn 7.900 doanh nghiệp. Ngay sau cuộc phát động, các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng bằng việc nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp truyền cảm hứng, tạo ra bầu không khí yên tâm lao động, nỗ lực thi đua trong mỗi người lao động.

Theo ghi nhận, tại Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ, dễ dàng cảm nhận được khí thế thi đua sôi nổi của người lao động khi mỗi một công nhân đều đang nỗ lực làm việc không chỉ tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty mà còn sẵn sàng “gánh” phần việc của các doanh nghiệp dệt may phía Nam khỏi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do đang phải dừng hoạt động do tác động của dịch COVID-19.

Trong các tháng còn lại của năm, công ty phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 135 triệu USD, góp phần hoàn thành mục tiêu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 305 triệu USD, tăng 20% so với năm 2020. Để thực hiện được kế hoạch này, Công ty triển khai nhiều giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nhằm khích lệ tinh thần của người lao động, Công ty phát động thi đua hàng ngày, hàng tuần và có chính sách khen thưởng theo tuần, theo tháng. Công ty còn tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, giúp họ cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập. Ngoài ra, Công ty có kế hoạch sử dụng quỹ thời gian làm thêm giờ hiệu quả và mở rộng quy mô sản xuất.

Còn tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 (xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy), 335 cán bộ, kỹ sư, công nhân đã chia làm 3 ca, 5 kíp duy trì trực sản xuất bảo đảm dòng điện phát lên lưới điện quốc gia liên tục, an toàn. 

Ngoài tăng cường các chính sách phúc lợi cho người lao động, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm thị trường, các doanh nghiệp tại Thái Bình cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. 

Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, việc đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động cũng được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh duy trì bằng việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để bảo đảm phát triển một cách ổn định, bền vững.

Với quyết tâm vượt qua khó khăn hiện nay, bên cạnh các chủ trương, chính sách kịp thời của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm thi đua sản xuất kinh doanh với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả.... chính là cơ sở để có thể tin tưởng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình năm 2021 sẽ hoàn thành, tạo đà cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Vũ Thư