Đến nay, toàn tỉnh có 99 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.310,5 triệu USD. Trong đó có 81 dự án đã hoàn thành vào hoạt động ổn định và 16 dự án đang đầu tư xây dựng hoặc đang hoàn thiện thủ tục đất đai, môi trường.

Trước đó, ngay khi vừa bước vào quí 4, tỉnh Thái Bình đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và tiếp nhận nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư vào khu kinh tế Thái Bình.

Theo đó, Dự án đầu tư nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam của Công ty TNHH Lotes Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, sản xuất chân kết nối ram, cáp nối cho máy tính và thiết bị điện tử,  linh kiện, cấu kiện kim loại dùng cho máy móc lắp ráp chân nối Ram và thiết bị đầu nối, cung cấp  cho các Tập đoàn  Itel, Samsung, Sony...

Dự án nhà máy Greenworks Thái Bình Việt Nam của Công ty TNHH Greenworks tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, với tổng số vốn đầu tư 200 triệu USD, sản xuất thiết bị làm vườn, 100% sản xuất sang thị trường Mỹ, EU.

Dự án nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, đèn chiếu sáng và đồ nội, ngoại thất của Công ty Công nghiệp Jeanson tại Khu công nghiệp Tiền Hải, với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, sản phẩm của dự án xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.

Dự án khu nhà ở thương mại Lê Hồng Phong – Eden Garden của Công ty cổ phần Bidgroup, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.428 tỷ đồng.

Dự án trồng và chế biến rau củ quả hữu cơ tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư của Tập đoàn TH, dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất và cung cấp nguồn nông sản sạch, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng đã chứng kiến Lễ ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Khu kinh tế Thái Bình) của Công ty Nam Tài Group với Công ty Green i-Park, tổng vốn đầu tư khoảng trên 100 triệu USD.   

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- ông Nguyễn Khắc Thận cho biết, việc trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư hôm nay hết sức ý nghĩa, gắn liền với thời điểm cả nước chào mừng kỷ niệm 76 Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Chủ tịch UBND Tỉnh cảm ơn các nhà đầu tư đã đặt niềm tin khi lựa chọn Thái Bình; cảm ơn nhà đầu tư hạ tầng Green i-Park đã đầu tư Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green iP-1) - khu công nghiệp đầu tiên với sứ mệnh tiên phong, rất trách nhiệm, chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong việc xây dựng và thu hút đầu tư.

Sự kiện các nhà đầu tư đầu tư vào Thái Bình hôm nay đã tháo gỡ nút thắt rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào Tỉnh, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong 20 năm qua, tổng vốn FDI trên địa bàn Thái Bình (chưa kể 3 dự án FDI hôm nay) mới có khoảng 900 triệu USD. Như vậy, 3 dự án FDI hôm nay với 395 triệu USD sẽ gần bằng nửa giai đoạn 20 năm trước và nhiều hơn giai đoạn 2016 - 2020. Tin tưởng đây sẽ là dấu mốc thu hút các nhà đầu tư về đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Khu kinh tế Thái Bình nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.

Ghi nhận và đánh giá cao vai trò, năng lực của nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái trong việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng KCN, tích cực đồng hành cùng với tỉnh thu hút được những dự án lớn đầu tư vào KKT, ông Thận cũng đồng thời đề nghị các nhà đầu tư chú trọng bảo vệ môi trường, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh và có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư dự án trong tương lai.

{keywords}
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Bình kiến nghị thành lập 4 KCN trong Khu kinh tế Thái Bình với tổng diện tích khoảng 2.000 ha. Ảnh minh họa.

Nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư, UBND tỉnh Thái Bình cam kết sẽ tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ về hạ tầng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật. Giao Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Thái Bình tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng kịp thời bàn giao đất cho nhà đầu tư; bảo đảm ổn định an ninh trật tự; tuyên truyền để người dân đồng thuận, hỗ trợ cho dự án triển khai đúng tiến độ và phát huy hiệu quả cao.

Cho đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có trên 1.000 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 130.000 tỷ đồng. Trong đó có 90 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 800 triệu USD. Trên hết, tỉnh Thái Bình đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 21,4%, cao gấp 1,65 lần so với năm 2015.

Hồi năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập và phê duyệt Quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình và được xem là động lực giúp tăng trưởng và thu hút đầu tư. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Bình kiến nghị thành lập 4 KCN trong Khu kinh tế Thái Bình với tổng diện tích khoảng 2.000 ha.

Khu kinh tế Thái Bình thuộc địa phận 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có cao tốc Quảng Ninh - Thanh Hóa đi qua và cách sân bay Cát Bi 40km, cảng nước sâu Tân Vũ, Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 30km…

Với địa hình thuận lợi, đây là một trong những khu kinh tế của cả nước có chức năng tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu công nghiệp chất lượng cao, khu dịch vụ thương mại và đô thị hiện đại ven biển.

Theo thống kê, khu kinh tế Thái Bình ước tính đến năm 2025 có dân số vùng đạt 227.000 người (trong đó đô thị là 94.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41%), đến năm 2040 dân số là 300.000 người (đô thị là 210.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%).

Trong tương lai nơi đây sẽ trở thành trung tâm đô thị phát triển, thu hút nhân lực trong tỉnh và khu vực lân cận, đội ngũ chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến định cư và làm việc.

Vũ Thư