Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi. Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ở các trang trại, gia trại là một trong những biện pháp có ý nghĩa quan trọng phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, huyện Tiền Hải (Thái Bình) tích cực tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi thực hiện tốt tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi nhằm bảo vệ đàn vật nuôi phát triển ổn định. Theo kế hoạch UBND huyện cấp 2.400kg hóa chất sát trùng để các xã thực hiện.

{keywords}
Tiền Hải cấp 2.400kg hóa chất phục vụ tiêu độc, khử khuẩn trong chăn nuôi 

Huyện cũng khuyến khích các hộ dân, địa phương tự đầu tư kinh phí mua hóa chất tiêu độc, khử trùng hoặc vôi bột để xử lý chuồng trại, khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải thông tin, đàn gia súc của huyện có trên 43.900 con; gia cầm 1,6 triệu con.

Các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến nhân dân thường xuyên giám sát vùng chăn nuôi, hạn chế tối đa việc ra vào thăm cơ sở chăn nuôi, nhất là các cơ sở sản xuất giống. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, nơi chăn thả và khu vực xung quanh 1 lần/tuần.

Đối với phương tiện, dụng cụ chuyên chở động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi, nơi nhốt động vật chờ giết mổ, gia súc, gia cầm phải vệ sinh sạch sẽ, thu gom rác thải, phân để chôn hoặc đốt trước khi ra vào cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ.

Thường xuyên kiểm tra các chợ buôn bán, điểm tập kết gia súc, gia cầm, yêu cầu các chủ hộ kinh doanh tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ngày buôn bán.

Ngoài nguồn hóa chất hỗ trợ, các địa phương huy động mọi nguồn lực để mua hóa chất, vôi bột, tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp ngành liên quan kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, nhất là kiểm soát trâu, bò bán, giết mổ tại địa phương.

Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch khi có dịch bệnh xảy ra.

Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở cách phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện. Đường lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh.

Anh Hà Thanh Bằng, xã Bắc Hải cho biết: “Thực hiện hướng dẫn của ngành chuyên môn, tôi đã thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận bằng thuốc sát trùng, vôi bột để bảo đảm cho gia cầm phát triển ổn định, an toàn không để dịch bệnh lây nhiễm cho các hộ chăn nuôi trong thôn”.

Bên cạnh thực hiện phun phòng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, anh Bằng còn tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho 2 con bò của gia đình theo khuyến cáo (từ ngày 10/3 - 10/4).

Ông Tạ Xuân Đài, xã Nam Thanh nuôi trên 300 con gà thịt, gà đẻ. Để phòng bệnh cho đàn gà, gia đình đã thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Trong đó, xử lý môi trường chuồng trại như vệ sinh khu chăn nuôi, vùng lân cận, rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng, khơi thông cống rãnh, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, bảo đảm đàn gà sinh trưởng tốt, không để mầm bệnh có nơi trú ngụ gây hại đến đàn vật nuôi.

Tư Giang