Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian qua, VPCP đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng của Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, như các hệ thống: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống Thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet), Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Sau gần một năm khẩn trương triển khai xây dựng, với sự chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa VPCP và các bộ, ngành địa phương, chuyên gia trong nước, quốc tế và nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là Tập đoàn VNPT, đến thời điểm này, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất, sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia được khai trương sẽ giúp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổng hợp, báo cáo và chuyển đổi phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cụ thể là kết nối, chia sẻ, tổng hợp, phân tích theo thời gian thực, hiển thị trực quan.

Để có được những kết quả nổi bật nêu trên, yếu tố quyết định chính là quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm chỉ đạo và bám sát mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo lực kéo, bộ ngành, địa phương tham gia tạo lực đẩy; sự vào cuộc tích cực của bộ, ngành, địa phương; sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ thông tin; sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.

{keywords}
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia này, nhất là những chỉ tiêu quan trọng của đất nước để Thủ tướng và các thành viên Chính phủ biết, để điều hành kịp thời hơn. Ảnh minh họa

Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia sẽ mang lại hiệu quả như thế nào?

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhờ biểu đồ trực quan, tính năng phân tích, dự báo số liệu chuyên sâu; đồng thời, cho phép theo dõi, giám sát các mục tiêu về kinh tế - xã hội Quốc hội giao Chính phủ; các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương.

Đến nay đã có 16 bộ, cơ quan kết nối với Hệ thống; 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên Hệ thống. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua Hệ thống, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước 460 tỷ đồng/năm.

Để làm được điều này, các bộ, cơ quan, các địa phương đã có quyết tâm rất lớn trong quá trình phối hợp, rà soát lại báo cáo, thực hiện chuẩn hóa chế độ báo cáo.

Lợi ích của Hệ thống và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành là thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số thông qua các hệ thống thông tin báo cáo, bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo…

Thay vì gửi, nhận báo cáo tháng, quý, 6 tháng, báo cáo năm hay các báo cáo đột xuất khác bằng giấy thì các bộ, cơ quan cập nhật lên Hệ thống theo chế độ báo cáo và có hiển thị thời gian thực. Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, cơ quan qua Hệ thống có thể thấy diễn biến tình hình kinh tế-xã hội hoặc các vấn đề quan tâm khác trong các lĩnh vực.

Điều này giúp Chính phủ có dự báo, nhận định tình hình, đưa ra các giải pháp căn cơ, xử lý chính xác tình hình các vấn đề, nội dung được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế quan tâm…

Mặc dù vậy, việc khai trương Hệ thống và Trung tâm mới chỉ là bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài cần phải thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc cập nhật, kết nối, chia sẻ để hình thành và làm giàu kho dữ liệu tổng hợp về kinh tế - xã hội phục vụ hoạt động quản lý, điều hành.

Lê Thuý