Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến chống dịch, các cơ quan thông tấn báo chí, các đài phát thanh truyền hình Trung ương lẫn địa phương đều đã chủ động vào cuộc, khai thác mọi chủ đề của đời sống liên quan tới dịch bệnh, cập nhật đến người dân những thông tin chỉ đạo điều hành của cơ quan chức năng, tình hình dịch bệnh, khuyến cáo phòng ngừa mới nhất và chính xác nhất.

Nhờ những thông tin được cập nhật liên tục từ báo đài, người dân đã được tiếp cận thông tin về dịch bệnh một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, tăng cường hiệu quả cho công tác phòng dịch cho từng cá nhân, gia đình và địa phương.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã phát động chiến dịch truyền thông lan tỏa thông điệp “Niềm tin chiến thắng” kêu gọi cộng đồng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi mọi tầng lớp người dân cùng thực hiện đầy đủ các biện phòng, chống dịch bệnh và xây dựng lối sống phù hợp, tạo thói quen có lợi sức khỏe để chung sống với dịch, thiết lập cuộc sống bình thường trong trạng thái mới, vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. 

Nhân dịp này, Báo VietNamNet tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Cuộc chiến Covid-19 và truyền thông minh bạch, có trách nhiệm” để cùng nhìn lại công tác phối hợp truyền thông, thông tin phòng chống dịch, cùng rút ra những bài học , góp phần nâng cao ý thức về phòng, chống dịch bệnh.

Xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia cuộc giao lưu:

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế.

Và ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

{keywords}
Việt Nam triển khai chiến dịch truyền thông nhằm khuyến cáo người dân về những gì họ nên làm nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19.

Thưa ông Nguyễn Đình Anh, công tác tuyên truyền đóng vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống dịch Covid nói riêng và dịch bệnh nói chung?

Ông Nguyễn Đình Anh: Đối với công cuộc chống Covid-19 vừa qua, công tác truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Các chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ chính chị, ban phòng chống dịch… các cấp ngành đều được các cơ quan truyền thông đại chúng phối hợp chặt chẽ để truyền tải.

Song song với đó, các hoạt động truyền thông cũng hỗ trợ ngành y tế, giúp cho người dân biết các nguy cơ lây bệnh cũng như các biện pháp phòng ngừa.

Truyền thông cũng góp phần chống lại các tin giả, tin thất thiệt… Vì vậy truyền thông phòng chống dịch thời gian qua hoạt động rất hiệu quả. Nhờ đó, các thông tin được cập nhật kịp thời, chính xác.

Thưa ông Lê Quốc Minh, ông có thể chia sẻ với độc giả về vai trò của truyền thông trong cuộc chiến chống Covid vừa qua như thế nào?

Ông Lê Quốc Minh: Hiệu quả của truyền thông trong phòng chống dịch Covid-19 vừa qua đã được các cấp lãnh đạo ghi nhận và đánh giá cao.

Ví dụ sơ kết thông tin tuyền truyền dịch Covid-19, Thủ tướng chính phủ cũng đã đánh giá cao vai trò của truyền thông. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế cũng người dân hoàn toàn tin tưởng vào truyền thông.

Ngược lại thời kỳ đầu, dịch mới bùng phát, chúng ta cũng có những lúng túng ban đầu trong công tác truyền thông. Cũng có những ý kiến, lo ngại trên mạng xã hội hay những thông tin chưa đúng gây hoang mang.

Sau đó nhờ sự chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, các bộ ban ngành, công tác thông tin tuyên truyền đã được khắc phục rất nhanh góp phần quan trọng đưa thông tin chính xác đến mọi người, tăng sự tin tưởng vào hệ thống chống dịch.

Vừa rồi, cuộc chiến chống dịch COVID-19 có rất nhiều khâu, nhiều đầu mối, nhiều lĩnh vực chuyên môn. Có những phát sinh đột ngột ngoài dự kiến. Nhiều độc giả của VietnamNet băn khoăn muốn tìm hiểu, trong bối cảnh đó, sự phối hợp từ trung ương/bộ ngành đến địa phương; giữa các bộ/ngành với bộ/ngành/, giữa các địa phương với địa phương… trong cung cấp thông tin, trong truyền thông đã được triển khai như thế nào, thưa ông Lê Quốc Minh?

Ông Lê Quốc Minh: Chắc quý độc giả còn nhớ, trong thời kỳ đầu, chúng ta phải trông chờ thông tin từ nguồn này hay nguồn kia mới là chính xác, nhanh chóng.

Thậm chí có sự chồng lấn khi đơn vị nào đó mới được phép công bố chính thức. Nhưng sau đó, với sự chỉ đạo sát sao của trung ương và sự phân công rõ ràng, giới truyền thông rất yên tâm khi thông tin được cập nhật liên tục.

Tôi nghĩ sự phối hợp như vậy giảm bớt sự chồng chéo, giúp truyền thông dễ dàng có thông tin rõ ràng, chính xác đưa đến cho độc giả. Chúng tôi rất ghi nhận những nỗ lực từ bộ máy truyền thông của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Đình Anh: Các tuyến bài, thông tin thời gian đầu chưa thực sự thống nhất giữa trung ương và địa phương, nhất là lúc có các ca nghi nhiễm.

Bởi, khi có ca nghi nhiễm, địa phương bao giờ cũng triển khai các biện pháp kiểm soát để bảo đảm không có sự lây lan trong cộng đồng. Trong khi đó, thông tin ở địa phương do ban chỉ đạo địa phương đưa ra để ngăn ngừa dịch bệnh. Ở trung ương, chúng tôi cũng mong có thể cung cấp thông tin sớm nhất. Nhưng đằng sau người bệnh là gia đình, chúng tôi phải rất cân nhắc khi nào có thông tin chính xác về trường hợp mắc bệnh mới cung cấp thông tin.

Sau có sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo, đặc biệt đồng chí Trưởng ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng phối hợp Bộ thông tin truyền thông, đã có những chỉ đạo rất sát sao.

Ngành y tế cũng đã phối hợp với các bộ ngành địa phương để thông tin về những ca bệnh sau này đảm bảo thống nhất, minh bạch. Các tin giả trên mạng bị hạn chế và người dân tin tưởng hơn vào truyền thông chính thống.

Ông Lê Quốc Minh: Tôi xin bổ sung thêm rằng, tâm lý các đơn vị báo chí là ai cũng mong đưa thông tin sớm nhất.

Nhưng do được chỉ đạo sát sao nên chúng tôi ý thức được việc đưa tin về dịch bệnh là trường hợp rất đặc biệt. Chúng ta không phải đuổi theo thông tin cấp bách, chúng ta đưa nhanh nhưng phải chính xác…

Tất cả làm sao để điều phối giữa mong muốn đưa thông tin sớm đến công chúng vừa đảm bảo đưa tin vừa phải để không bị quá tải, dẫn đến hoang mang trong xã hội. Sự phối hợp này đã giúp phóng viên, tòa soạn ý thức hơn trong việc đưa tin.

{keywords}
Các vị khách mời tham gia giao lưu: “Cuộc chiến Covid-19 và truyền thông minh bạch, có trách nhiệm” 

Thưa các vị khách mời, công tác truyền thông đã góp phần thay đổi nhận thức người dân như thế nào trong đợt dịch bệnh Covid vừa qua?

Ông Lê Quốc Minh: Việc thay đổi nhận thức cho công dân, truyền thông có vai trò rất quan trọng. Ngay khi xảy ra sự việc, chúng ta thấy sự hoang mang, lo ngại nhưng truyền thông vào cuộc đã góp phần nâng cao hiểu biết cho mọi người giảm lo sợ, hoang mang.

Với những tờ báo nước ngoài đưa tin không chính xác về dịch bệnh ở Việt Nam, nhiều người đã vào comment giải thích. Những người đăng tải thông tin sai cũng bị độc giả vào phủ nhận. Như vậy nhờ truyền thông tốt đã giúp người dân yên tâm hơn về dịch bệnh.

Họ biết câu chuyện họ được chứng kiến là thực tế, không có gì phải giấu giếm. Các thông tin đều minh bạch khiến người dân thấy mình có trách nhiệm phải lan truyền thông tin chính xác.

Thưa ông Nguyễn Đình Anh, với tư cách là đại diện truyền thông của Bộ Y tế, xin được nghe ý kiến của ông.

Ông Nguyễn Đình Anh: Chúng ta làm rất tốt công tác tuyền truyền phòng chống dịch bệnh. Từ các chỉ đạo của ngành y tế, cơ quan truyền thông đã thông tin đến người dân kịp thời, minh bạch.

Chúng ta thấy rằng, qua đợt dịch vừa rồi, người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Các thông tin sai trên mạng xã hội dần dần bị hạn chế.

Đặc biệt cơ quan chức trách làm việc với các cá nhân đưa tin giả, tin đồn thất thiệt khiến thông tin chính thống chiếm phần lớn trên mạng xã hội.

Vừa qua, bên cạnh những thông tin chính thống về đại dịch Covid-19, chúng ta phải đối mặt với vấn nạn tin giả Những tin giả này không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 mà còn gây nhiễu loạn, hoang mang trong dư luận. Chúng ta đã có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Ông Lê Quốc Minh: Vấn đề tin giả tồn tại trên không gian mạng từ trước đó rất lâu. Thời kỳ covid-19, nó được đẩy lên đỉnh điểm trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Chúng ta thấy những “thuyết âm mưu” rất vô lý như: Cột phát sóng 3G có thể phát tán virus covid-19. Nhưng vẫn có người tin khiến người ta đập phá các cột phát sóng ở nước ngoài.

Ở Việt Nam, tin giả cũng xuất hiện không ít như thông tin chính phủ phun thuốc khử khuẩn lên trời, ăn trứng để diệt virus... Cách xử lý là chúng ta phải đưa thông tin chính xác lên nhanh chóng để mang tính định hướng.

Thông qua bài viết, phóng sự kịp thời, những thông tin không đúng đã bị chúng tôi đính chính, bóc trần.

Bạn đọc Diệu Bình ở Hải Phòng mong muốn hai vị khách mời hôm nay chia sẻ thêm về các phương án truyền thông theo các cấp độ dịch mà Việt Nam đã triển khai. Trước tiên mời ông Nguyễn Đình Anh

Ông Nguyễn Đình Anh: Truyền thông đi trước một bước và đồng hành cùng chính phủ. Đó là các thông tin chính sách, chủ trương và các ca bệnh, tất cả đều cập nhật chính xác, minh bạch đến người dân.

Chúng ta cũng triển khai truyền thông nguy cơ: Đưa tin các yếu tố có thể gây bệnh, các biện pháp làm sao cho người dân hiểu được các nguy cơ và tự bảo vệ mình và gia đình. Thời gian qua, người dân đọc được các thông tin chính thống, tuân thủ tốt các chỉ đạo điều hành. Tôi đánh giá rất cao vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng cũng như hệ thống tuyên giáo từ trung ương đến địa phương.

Sự minh bạch, nhanh chóng này đã giúp ngành y tế kiểm soát tốt các ca bệnh.

Ông Lê Quốc Minh: Chúng ta hiểu rằng truyền thông không chỉ cơ quan báo chí chính thống mà cả một hệ thống tuyên truyền. Ở góc độ thông tin chính thống, đối ngoại lẫn đối nội, chúng ta đều làm rất hiệu quả để giúp báo chí nước ngoài hiểu và quan tâm hơn cách làm ở Việt Nam.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn đến sự sáng tạo của một số cá nhân, cơ quan báo chí chính thống… Họ vào cuộc bằng việc sáng tác các bài hát như khuyến cáo cách rửa tay được đăng tải trên báo CNN và nhiều báo quốc tế. Họ tổ chức show diễn có nhiều ca sĩ, từng cá nhân góp phần lan tỏa việc rửa tay, phòng chống bệnh. Nó đã đóng góp cho thành công chung của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Anh: Tôi xin bổ sung thêm, không chỉ vai trò của truyền thông chính thống đó còn là sự vào cuộc của toàn dân.

Tôi thấy có nhiều bài thơ. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, đài truyền hình Việt Nam đã phát hành bộ phim “Những ngày không quên” lồng ghép các thông điệp phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta còn lồng ghép yếu tố giải trí để giáo dục, tuyên truyền cho người dân. Cách này dễ đi vào lòng người hơn.

Dù ở cách nào, phương thức ra sao, cho thấy chúng ta đã rất sáng tạo trên nhiều lĩnh vực truyền tin. Mỗi người đều trở thành 1 tuyên truyền viên.

Khi những con số người nhiễm bệnh, người tử vong hằng ngày, hằng giờ được báo chí cập nhật khiến người dân không khỏi lo lắng. Ai nấy đều nháo nhào tìm kiếm thông tin nhằm bảo vệ bản thân, gia đình.

{keywords}
Ông Lê Quốc Minh

Thưa ông Lê Quốc Minh, trong tình huống như vậy, phải làm thế nào để công chúng cập nhật đúng thông tin, nhưng  không rơi vào hoảng loạn?

Ông Lê Quốc Minh: Có những giai đoạn, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi nói rằng, bài này ít vew, bài kia nhiều vew… Chúng tôi đã nói, trong trường hợp thông tin về dịch, đừng coi số lượng người đọc là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Như chúng ta đã nói, thông itn về dịch cần được đối xử một cách hết sức đặc biệt, yếu tố nhanh cũng tốt nhưng nhanh như thế nào? Bao nhiêu là đủ? Bao nhiêu là thiếu? thù chúng ta cần có một sự cân nhắc.

Việc điều phối thông tin ở đây phải rất uyển chuyển, ít tin thì người dân thiếu thông tin. Nhiều tin thì quá tải, đăng không kịp thời thì mọi người không biết thông tin nhưng đăng ở mức độ nào để không dẫn đến sự hoảng loạn.

Chúng ta cũng thấy một tình trạng, khởi đầu có một ca bị nhiễm, mọi người rất hoảng.

Khi có 1 ca đầu tiên tử vong, ai nấy hoang mang nhưng thêm vài ca nữa tử vong, mọi người lại thấy bình thường. Thậm chí thờ ơ và không quan tâm.

Việc làm thế nào để duy trì được luồng thông tin một cách đều đặn, minh bạch, nhanh chóng và cân bằng. Đảm bảo vừa có thông tin diễn biến dịch bệnh, vừa có cách phòng tránh, hiệu quả phòng chống dịch, các phương thức tìm vắc-xin trên thế giới và bổ sung những thông tin về việc làm thế nào để có cuộc sống lành mạnh, an toàn, sau dịch.

Tất cả các thông tin như vậy cần phải có một sự điều phối, tránh hiên về một loại thông tin. Nếu chỉ quan tâm đến trên thế giới có hàng nghìn người nhiễm, số người chết hay khó khăn…sẽ gây ra cảm giác không đúng trong khi chúng ta còn rất nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ: Ngành Y tế đã nỗ lựuc ra làm sao? Cứu trợ như thế nào? Nghiên cứu cách thức phòng chống mới như thế nào? Sự đóng góp của cộng đồng để hỗ trợ các y bác sĩ tuyến đầu ra sao?

Nếu chúng ta điều hòa tất cả những nội dung như vậy một cách hợp lý, có bài bản và không có tình trạng lúc thì nhiều quá, lúc thì ít quá.

Khi mọi người đã cảm thấy bão hòa thông tin rồi, chúng ta vẫn tiếp tục đưa tin để mọi người không được chủ quan. Khi mọi người có dấu hiệu hoảng loạn, chúng ta phải đẩy ra các thông tin để trấn an.

Như lần có ca nhiễm, mọi người đổ xô đi vơ vét hàng hóa. Lúc đó chúng ta trấn an bằng những nội dung: Cung ứng đầy đủ hàng hóa, thực phẩm, đồ dùng. Mọi người không nhất thiết phải đi mua đồ dùng tích trữ như vậy.

Việt Nam đã trấn an được tốt  khi chúng ta giảm được xu hướng đổ xô đi mua đồ. Trrong khi ở các nước trên thế giới, mọi người vẫn đổ xô nhau đi mua đồ.

Ông Nguyễn Đình Anh: Tôi muốn bổ sung thêm, như anh Minh nói, các thông tin chúng ta phải làm sao được cân bằng.

Một điểm nữa chúng ta phải lưu ý, nếu đưa nhiều thông tin về một cá nhân nào đó, sẽ tạo ra sự kỳ thị đối với họ. Nó ảnh hưởng không chỉ với cá nhân này mà còn ảnh hưởng đến những người liên quan khi họ có nguy cơ nhiễm bệnh, họ không dám khai báo với cơ quan.

Nó ảnh hưởng đến công tác phát hiện sớm, cách ly kịp thời để xử lý được hiệu quả.

Việc thông tin làm sao để đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng ngừa đồng thời cũng phải thấy được rằng, không chỉ có công tác phòng chống dịch Covid-19 mà chúng ta còn phải đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân.

Vì vậy chúng tôi luôn xác định cung cấp thông tin minh bạch nhưng vừa phải, tránh sự kỳ thị. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm đến các gương điển hình tiên tiến, các thông tin tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và lồng ghép với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bạn Ngọc Trang ở TP. Hồ Chí Minh đề nghị ông Lê Quốc Minh chia sẻ thêm về những câu chuyện thực tế liên quan tới công tác truyền thông của báo chí trong cuộc chiến chống dịch vừa qua? Mời ông Lê Quốc Minh.

Ông Lê Quốc Minh: Bài học kinh nghiệm của chúng tôi trong đợt dịch vừa rồi là sự bình tĩnh, đề ra các chiến lược truyền thông và cần rất linh hoạt, để thay đổi chiến lược truyền thông trong từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn đòi hỏi một cách thức truyền thông phù hợp.

Có một thực trạng, là chúng ta dễ bị cuốn theo một vấn đề gì đó. Nếu không cẩn thận, chúng ra dễ dẫn dắt độc giả vào một vòng xoáy về mặt thông tin.

Ngoài ra chúng tôi nghĩ rằng, bài học rất quan trọng về mặt sáng tạo sản xuất nội dung. Nếu chúng ta vẫn máy móc đưa những cách thức thông tin theo kiểu truyền thống. Với lượng thông tin quá tải, nhiều như vậy. Người tiếp nhận thông tin dễ nhàm chán, không xem đến bài đó.

Nếu chúng ta biết kết hợp uyển chuyển giữa nội dung với giải trí, cách đưa thông tin đến người dùng rất dễ hiểu. Hay chúng ta có cách thức để kích thích thị giác gọi là những hình vẽ sẽ hấp dẫn hơn những bài toàn là tin.

Chúng ta có cách thức hướng dẫn người dùng bằng video, clip ngắn cũng hấp dẫn hơn. Thông tấn xã Việt Nam cũng ra một seri gần 10 clip, chúng tôi đặt tên là: “Cùng nhau chiến thắng đại dịch” với cách thức làm hiện đại. Mỗi clip chỉ ngắn dứoi 3 phút nhưng cách truyền đạ dễ hiểu, dễ tiếp nhận, dễ chia sẻ trên mạng xã hội.

Nếu khi xảy ra những vụ tương tự, giới truyền thông thật là bình tĩnh, linh hoạt, sáng tạo thì chiến dịch truyền thông sẽ rất hiệu quả.

{keywords}
Truyền thông- vũ khí sắc bén góp phần nâng cao nhận thức trong phòng, chống Covid

Mong ông Lê Quốc Minh nói kỹ hơn về việc đưa thông tin một cách có trách nhiệm.

Ông Lê Quốc Minh: Trước hết, chúng ta phải nghĩ về mục đích rất cụ thể. Nếu chúng ta, chỉ muốn đưa một thông tin thật nhanh, chúng ta phải đặt lên bàn cân. Như tôi đã nói, cách đưa tin khi xảy ra chiến tranh, khi xảy ra dịch bệnh khác với cách thức đưa tin thông thường.

Lúc đó, chúng ta thật sự phải cân nhắc lợi ích của xã hội. Khi chúng ta, vội vàng đưa một thông tin khi chưa được kiểm chứng, thì nó có thể gây lên một sự hoảng loạn. Ở đây, chúng tôi, đánh giá cao việc thông tin đã có kiểm chứng từ Bộ Y tế đến với truyền thông rất nhanh.

Trường hợp chúng tôi nắm được ca nghi là nhiễm bệnh nhưng vội đăng tải luôn thông tin đó là nên hay không nên?

Hay khi có trường hợp đã xác nhận nhiễm bệnh nhưng chúng ta sẽ thông tin việc họ đi lại ở mức độ nào? Có người sẽ bảo vệ quan điểm là phải thông tin hết, xem họ đã đi qua những chỗ nào để mọi người có sự cảnh báo.

Tuy nhiên, có những người lại bảo nếu đưa hết thông tin lịch trình đi lại sẽ dẫn đến sự hoảng loạn. Việc cân nhắc trong việc đưa tin như thế nào, cũng là yếu tố rất quan trọng.

Hay lúc đầu chúng ta có quan điểm, liệu có nên nêu tên bệnh nhân hay chỉ gọi họ bằng mã số…

Tư duy có trách nhiệm với xã hội, với độc giả và phải uyển chuyển rong những tình huống đặc biệt. Chúng ta không nên xử lý như với một sự kiện thông thường. Để đảm bảo thông tin chính xác, nhanh chóng và minh bạch nhưng vẫn giữ được sự ổn định cho xã hội. Đó chính là đưa có trách nhiệm.

Xin được nghe ý kiến của ông Nguyễn Đình Anh về vấn đề truyền thông có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Đình Anh: Về phía chúng tôi, cơ quan truyền thông của Bộ Y tế, đặc biẹt chúng tôi là bác sĩ, khi có đợt dịch lần thứ 3, xảy ra ở Đà Nẵng, ngoài vấn đề đưa các thông tin chỉ đạo điều hành, Bộ Y tế cũng thành lập Bộ chỉ huy tiền phương do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trực tiếp vào chỉ đạo, điều hành tất cả các hoạt động về phòng chống dịch, để ứng cứu cho Đà Nẵng.

Chúng tôi cử một số anh em, chuyên viên, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống, Gia đình và Xã hội và Vụ truyền thông vào để thu thập thông tin, biên tập thông tin và phản ánh.

Bởi vì khi có dịch, toàn bộ Đà Nẵng gần như phong tỏa, sự đi lại của các phóng viên khác tương đối khó khăn để lấy tin.

Do đó, chúng tôi chủ động đưa anh em phóng viên vào, hỗ trợ lấy được thông tin sớm nhất, kịp thời nhất. Mặc dù bị phong tỏa nhưng nhờ các hoạt động về chỉ đạo điều hành của ngành Y tế, chính quyền địa phương, chúng ta vẫn có đầy đủ các thông tin, cung cấp cho độc giả, khán thính giả toàn quốc.

{keywords}
Ông Nguyễn Đình Anh

Bạn Mỹ Hòa ở Hà Nội muốn tìm hiểu về việc Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức phòng chống dịch COVID-19 như thế nào? Xin được chuyển câu hỏi tới ông Nguyễn Đình Anh.

Ông Nguyễn Đình Anh: Đối với ngành Y tế, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và truyền thông, cũng đã triển khai các hoạt động.

Lúc đầu, chúng ta thấy rằng, khi mới xuất hiện các ca bệnh đầu tiên, chúng tôi sử dụng trang điện tử của báo Sức khỏe và Đời sống.

Tuy nhiên, số lượng truy cập quá nhiều dẫn đến quá tải, không vào được. Nhiều độc giả gọi điện qua đường dây nóng phản ánh tại sao đường truyền của báo Sức khỏe và Đời sống bị tê liệt.

Sau đó, Phó Thủ tương Vũ Đức Đam yêu cầu thiết lập một trang điện tử. Sau này, chúng ôi xây dựng được trang điện tử ncovi.moh.gov.vn đã hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi thường xuyên cập nhật.

Nhờ trang này, hàng triệu người truy cập cùng một lúc không bị quá tải. Tôi nhớ có những thời điểm, khi chúng ta công bố ca bệnh 17. Số lượng vew, và các cuộc gọi đến đường dây tư vấn cũng tăng lên chóng mặt.

Thời gian vừa qua, các công ty truyền thông cũng hộ trợ nhiều. Bên cạnh sử dụng trang thông tin điện tử, chúng ta tiến hành truy vết bằng công nghệ thông tin.

Như Telehelth - công nghệ khám chữa bệnh từ xa. Vì khi tiến hành giãn cách xã hội và nguy cơ bùng dịch, sự đi lại của bệnh nhân tới các cơ sở y tế có sự hạn chế.

Đặc biệt với tuyến trên, sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho các tuyến dưới. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đến dự lễ khánh thành 1000 điểm khám chữa bệnh từ xa với sự hỗ trợ của các tập đoàn viễn thông.

Chúng ta thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ cho ngành Y tế mà còn cho nhiều lĩnh vực khác như: Học từ xa…

Tất cả các hoạt động đó thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, chúng ta phát triển được công nghệ thông tin.

Trong thời gian vừa qua, có nhiều phần mềm công nghệ thông tin được ứng dụng vào đời sống.

Ông Lê Quốc Minh đánh giá như thế nào về hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông về phòng chống dịch bệnh Covid?

Ông Lê Quốc Minh: Chúng ta đã biết, Bộ Y tế đã có những đội đặc nhiệm và nghiên cứu rất sâu về chữa trị nhân tạo, truy vết các ca bệnh... Chúng ta cũng có nhiều ứng dụng để mọi người có thể tải về máy.

Hiệu quả của những ứng dụng này không giống nhau nhưng rõ ràng, vai trò của công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch cũng như mọi mặt trong đời sống đã được nâng lên rất nhiều.

Chúng ta có thể thấy rằng, nhiều ứung dụng trước đây mọi người sử dụng chưa nhiều. Ví dụ: Học từ xa, mua sắm trực tuyến… Qua đợt dịch vừa rồi, nó phát huy hiệu quả rõ rệt.

Chúng ta còn tiếp tục nghiên cứu những ứng dụng để phát hiện bệnh.

Chúng tôi cũng rất tự hào là đơn vị báo chí cũng có ứng dụng kết nối với bác sĩ để phòng chống dịch.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đơn vị chuyên về công nghệ thông tin, các đơn vị báo chí. Chúng tôi nghĩ đã tận dụng được hiệu quả của công nghệ thông tin trong các chiếc dịch vừa qua.

Thưa các vị khách mời, từ công tác tuyên truyền, thông tin trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta có thể rút ra bài học, kinh nghiệm gì để đối phó với các làn sóng dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai?

Ông Nguyễn Đình Anh: Đối với cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi, chúng ta đã thấy được những hiệu quả. Việt Nam là nước ở khu vực nhiệt đới, gió mùa. Do đó rất nhiều bệnh dịch khác lưu hành. Ví dụ: Sởi, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, cúm. Ngoài ra, khi chúng ta giao lưu với các nước khác, nguy cơ các bệnh dịch mới có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào.

Do vậy, các hoạt động truyền thông vừa rồi, chúng ta đã có nhiều bài học đáng giá.

Thứ nhất: Chúng ta truyền thông về nguy cơ dịch bệnh. Đây chúng ta thấy rằng, người dân Việt Nam có những thói quen trong cuộc sống. Nhiều khi nghĩ rằng, cuộc sống không có dịch bệnh, mọi việc bình thường, chẳng ảnh hưởng đến mình, không ai quan tâm nhưng qua vụ dịch vừa rồi, chúng ta thấy rằng, truyền thông về các yếu tố, nguy cơ lây  bệnh để người dân hiểu đúng, để có hành vi đúng đắn, có lợi cho sức khỏe.

Thứ hai: sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo hay của ngành Y tế và các địa phương.

Vừa rồi, chúng ta thấy rằng, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, sự chỉ đạo về các hoạt động truyền thông thông suốt từ trên xuống dưới.

Thứ ba: Trong cuộc chiến vừa rồi, các cơ quan báo chí đã vào cuộc rất nhiều, mặc dù có nhiều anh chị em phóng viên báo chí, đời sống kinh tế chưa dư dả, có thể còn khó khăn. Nhiều cơ quan báo chí, vì dịch bệnh cho nên ảnh hưởng đến các nguồn thu nhưng tất cả đều vị mục đích cuối cùng là ngăn ngừa, phòng chống dịch và bảo đảm cho cuộc sống an bình. Do đó người ta tập trung, nỗ lực để dành các trang báo đưa tin về công tác phòng chống chống dịch bệnh.

Một điểm, tôi nghĩ rằng, sự nỗ lực của ngành Y tế trong thời gian vừa qua cũng rất nhiều.

Ngoài ra, có sự hỗ trợ của các ngành khác. Ví dụ như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan khác đã đồng hành với ngành Y tế.

Tôi đánh giá rất cao sự tin tưởng rất lớn của người dân đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, người dẫn cũng tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế.

Đặc biệt, khi có những tin đồn, họ đều phản ánh đến Bộ Y tế rất trách nhiệm.

Ông Lê Quốc Minh: Bên cạnh những yếu tố như tôi đã đề cập là cần phải bình tĩnh, sáng tạo. Tôi nghĩ từ chúng ta phải nhấn mạnh là “Minh bạch thông tin”.

Có thể có những quan điểm rằng, chúng ta chỉ nên thông tin hạn chế, hay là chúng ta bnên kiểm soát thông tin. Trong trường hợp dịch bệnh, chúng ta đã thấy, minh bạch thông tin bao gồm cả việc đưa thông tin kịp thời, nhanh chóng đến với đông đảo người dân chính là cách thức chúng ta kiểm soát thông tin đến với độc giả một cách hiệu quả nhất.

Chúng tôi có trao đổi qua một số diễn đàn tranh luận. Từ kinh nghiệm của đấu tranh chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta có chương trình thông tin cho Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 13, tình hình hiện nay rất hiệu quả.

Nếu chúng ta so sánh với 5 năm trước, trước khi diễn ra Đại hội, có rất nhiều luồng thông tin lề trái khiến mọi người cũng lao theo, một số không ít là tin theo những loại thông tin không chính xác như vậy. Có thể nói, Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại Hội Đảng sắp tới, chúng ta hoàn toàn không thấy tình trạng đã xảy ra như 5 năm trước.

Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những kênh thông tin không chính thống, rồi đưa thông tin thất thiệt, tin đồn.. Tỷ lệ này rất ít so với thông tin mọi người được tiếp nhận.

Nếu chúng ta cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng với nhiều góc nhìn khác nhau, như là mang một bữa tiệc thịnh soạn cho mọi người thì người ta sẽ không đi tìm những thông tin không chính thống nữa.

Tôi nghĩ, minh bạch thông tin là bài học vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp chúng ta vượt qua những tình huống như kiểu đại dịch hiện nay mà trong rất nhiều tình huống khác, nó cũng giúp chúng ta kiểm soát được luồng thông tin.

Thưa các vị khách mời, giờ đây chúng ta đã bước vào giai đoạn bình thường mới, công tác truyền thông, tuyên truyền cần được triển khai như thế nào để để người dân không chủ quan với bệnh dịch, đồng thời phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội?

Ông Nguyễn Đình Anh: Ngành Y tế đã triển khai chiến dịch, truyền thông 5K. Tức là: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.

Các hoạt động đó về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ các thông tin trong tình hình mới. Ví dụ: khi đến các cơ sở y tế, chúng ta có thể đeo khẩu trang y tế, ra nơi đông người ta đeo khẩu trang vải.

Ngoài ra, công tác khử khuẩn, xây dựng thói quen rửa tay xà phòng dưới vòi nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn.

Ngoài vấn đề về phòng chống Covid-19, chúng ta có thể phòng ngừa các bệnh lây truyền khác.

Vấn đề không tụ tập đông người, hạn chế đến các quán bar, quán bia hơi…

Việc khai báo y tế là một trong những nội dung quan trọng, không chỉ với Covid-19 mà còn với các dịch bệnh khác.

Hiện nay, ngành Y tế với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, một số tập đoàn viễn thông thì cũng đang triển khai các biện pháp để làm sao có được các biện pháp thông tin.

Khi phát hiện ca bệnh, chúng ta có thể truy vết được các đối tượng tiếp xúc gần, để chúng ta khu trú, cách ly, tránh sự lây lan ra cộng đồng.

Những vấn đề trên, chúng ta thực hiện tốt trong giai đoạn bình thường mới có thể giúp cho vấn đề kiểm soát bệnh Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác.

Ông Lê Quốc Minh: Khi tình hình dịch bệnh lắng xuống và những quy định thắt chặt được nới lỏng hơn, chúng ta sẽ thấy hai tâm lý rất rõ ràng:

Một là: có nhiều đối tượng trong xã hội cảm thấy như được cởi trói. Chúng ta thấy tình trạng hàng nghìn người đổ về một quán bar để chờ đêm mở đầu tiên hoặc là có những nhóm khác trong xã hội luôn luôn cảm thấy e ngại. Họ nghĩ, từ nay né tránh tất cả.

Dù là theo quan niệm nào, nó cũng không phù hợp và không tốt.

Chúng ta thấy, dù dịch bệnh như vậy nhưng chúng ta vẫn phải duy trì tuyến truyền thông để giúp mọi người hiểu rõ hơn vấn đề, để họ không chủ quan nhưng cũng đừng qua e ngại, lo lắng.

Bây giờ trong bối cảnh mà chúng ta không thể trông cậy vào nguồn khách du lịch, không thể đặt nặng vấn đề xuất khẩu thì thị trường nội địa là vô cùng quan trọng. Làm sao để nói cho mọi người thấy nên thúc đẩy thị trường nội địa. Chúng ta có thể đi lại an toàn, có kiểm soát, tiếp tục sống cuộc sống sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, xã hội mới có thể phát triển được. Thế nhưng, trong quá trình sản xuất kinh doanh không được phá vỡ nguyên tắc về mặt y tế chúng ta đang áp dụng.

Thực tế, do truyền thông, ý thức của người dân khác ngày xưa. Bây giờ đến các địa điểm công cộng, mọi người đeo khẩu trang không còn là điều gì lạ lẫm nữa. Nhiều người có ý thức trong việc đeo khẩu trang.Các cơ sở lớn như siêu thị, họ vẫn tiếp tục duy trì hình thức sát khuẩn.

Những cách thức như vậy đã đi vào tiềm thức của mỗi người cũng là yếu tố rất tích cực. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cân bằng thông tin, để vừa có sự cảnh báo, vừa nhắc nhở các quy chế. Mặt khác, chúng ta vẫn phải khuyến khích, để mọi người có hoạt động trở lại bình thường, góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp đời sống, kinh tế, xã hội phát triển hơn.

Thưa quý vị độc giả, qua những chia sẻ của các vị khách mời, chúng ta đã hình dung ra phần nào những nỗ lực của truyền thông trong giai đoạn phòng chống dịch căng thẳng. 

Bởi vậy, tại hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 do Ban Tuyên giáo, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông hồi tháng 6, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Trong chiến dịch truyền thông không ngừng nghỉ về phòng, chống đại dịch Covid-19, với quan điểm việc cung cấp thông tin phải đảm bảo 'Kịp thời - Minh bạch - Chính xác và Tin cậy', chúng ta đã huy động sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, phát huy hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, huy động các lực lượng, các phương tiện, kết hợp truyền thống và hiện đại, sử dụng triệt để các hình thức tạo ra chiến dịch truyền thông với những dấu ấn thật sự ấn tượng".

Xin cảm ơn hai vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình. Cảm ơn quý độc giả quan tâm theo dõi. Xin chào và hẹn gặp lại quý vị trong các cuộc giao lưu tiếp theo.

VietnamNet