Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh rất cao. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương tăng cường công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.

{keywords}
Tuyên Quang tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, hạn chế thấp nhất rủi ro

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, vụ xuân - hè toàn tỉnh có kế hoạch tiêm phòng cho hơn 5,66 triệu con gia súc, gia cầm. Trong đó, có 74.070 con trâu, 30.050 con bò, 423.120 con lợn, 43.780 con dê, 4.659.360 con gà, 305.130 con vịt, 128.930 con chó. Một số huyện có tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm cao như Sơn Dương 1,3 triệu con, Chiêm Hóa hơn 1,2 triệu con, Na Hang gần 230.000 con...

Năm 2020, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt khá thấp chỉ đạt hơn 50%.

Để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng năm 2021 đạt kết quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi.

Đồng thời, triển khai kế hoạch tiêm phòng, thông báo lịch tiêm phòng cụ thể đến từng thôn, bản và phổ biến các quy định phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện. Cán bộ thú y các địa phương tiến hành thống kê, rà soát lên danh sách đàn vật nuôi thuộc diện tiêm phòng cho từng thôn, tổ, từng hộ.

Tại Na Hang, thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đang đẩy mạnh việc thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi và phun khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại và môi trường xung quanh để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Ông Chẩu Văn Bích, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, thực hiện việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân -  hè, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát chặt chẽ các hộ chăn nuôi trên địa bàn; tuyên truyền để các hộ nắm chủ trương và thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng đúng tiến độ, đảm bảo nhanh gọn, an toàn. Đồng thời, thực hiện quản lý, cấp phát và sử dụng vắc xin đúng quy định, đúng đối tượng trong suốt thời gian thực hiện.

Với sự chủ động của các hộ chăn nuôi, sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, các địa phương, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện kịp thời, đảm bảo việc duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân.  

Hoài Thanh