Chín tháng đầu năm 2021, đàn gia cầm của tỉnh Vĩnh Long (không kể vịt chạy đồng) có 9,9 triệu con. Toàn tỉnh hiện có 788 trang trại, trong đó có 12 trang trại lớn, 132 trang trại vừa và 639 trang trại nhỏ.

Năm 2022, tỉnh phấn đấu phát triển đàn gia cầm 10,8 triệu con, tăng 2,9%, so với năm 2021.

{keywords}
Vĩnh Long chú trọng phát triển mô hình nuôi gà an toàn sinh học.

Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, hiện tình hình dịch bệnh trên gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm H5N1, cúm gia cầm H5N8 vẫn thường trực. Các hộ chăn nuôi cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngành chức năng tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia cầm, phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đồng thời, đẩy mạnh quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia cầm ra vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, đảm bảo người dân an tâm sản xuất, tỉnh Vĩnh Long khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng mô hình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, áp dụng hiệu quả các quy trình thực hành chăn nuôi tốt.

Trong năm 2019, mô hình nuôi gà đặc sản bản địa trên đệm lót sinh học được triển khai tại 11 hộ thuộc 3 phường: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa (TP Vĩnh Long). Kết quả hạch toán kinh tế cho một điểm nuôi 300 con theo hướng an toàn sinh học sau 3 tháng tuổi, hao hụt bình quân 13 con, còn lại 287 con, bình quân 1,7 kg/con. Giá bán gà thịt 60.000 đ/kg. Người nuôi có lời gần 7 triệu đồng.

Năm 2020, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học được triển khai tại địa bàn TP Vĩnh Long và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp để nhân rộng, nhiều triển vọng hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Đây là hướng đi đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 

Sở NN&PTNT tỉnh cũng định hướng phát triển chăn nuôi trang trại, đặc biệt trang trại chăn nuôi quy mô lớn; quản lý và nâng cao chất lượng giống gia cầm; khuyến khích phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ứng dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến.

Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp tốt, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, tạo nền tảng phát triển chuỗi liên kết - tiêu thụ bền vững trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh liên kết hộ chăn nuôi theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Anh Duy