Tại hội thảo, Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 22/10, TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng: Để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì cần những ưu đãi tín dụng.

Bà Bình gợi ý những mô hình như Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên cho doanh nghiệp chế tạo/công nghiệp hỗ trợ. Hay  chương trình bảo lãnh tín dụng theo chuỗi từ Chính phủ, công ty đầu chuỗi, ngân hàng, doanh nghiệp.

“Với sự vào cuộc của Chính phủ sự hỗ trợ kết nối về vốn, công nghệ, thị phần sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững”, TS Bình quả quyết.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đến nay, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… số lượng doanh nghiệp này thấp hơn so với các nước trong khu vực ở Malaysia và Thái Lan.

Ngoài ra, số doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ là khoảng 1.800 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cung cấp và có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn…

Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô và năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, chỉ có khoảng 300/1.800 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Tỷ lệ nội địa hoá trong các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển thấp.

An Hưng