Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn có 247 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ chủ động đổi mới, tìm kiếm thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối ổn định, doanh thu, giá trị kim ngạch xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ.

Công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử, gia công linh kiện điện tử được đánh giá là 1 trong 5 lĩnh vực công nghiệp chủ yếu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có doanh thu, giá trị xuất khẩu và đóng góp cho ngân sách Nhà nước cao nhất.

{keywords}
Vĩnh Phúc: 9 tháng đầu năm, công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử góp ngân sách hơn 914 tỷ đồng

9 tháng năm nay, doanh thu lĩnh vực này ước đạt trên 2.587 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 2.220 triệu USD, tăng 5% và nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 914 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện các doanh nghiệp điện tử đang giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động, tăng trên 2.500 người so với thời điểm 31/12/2018.

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, cùng với việc môi trường đầu tư được cải thiện, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử, gia công linh kiện điện tử đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tăng vốn, tăng quy mô, tuyển thêm lao động. Trong đó, một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có tốc độ tăng trưởng cao như: Công ty TNHH Haesung Vina; công ty TNHH DST Vina, công ty TNHH Sekonix Vina…

Tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, thời gian tới, Vĩnh Phúc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, chăm sóc tốt các nhà đầu tư tại chỗ để thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao.