Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có 189 DN trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), với tổng vốn đăng ký 2,365 tỷ USD, chiếm 35% tổng số vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 30 DN trong nước và 159 DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số lao động CNHT trong ngành điện tử, tin học và sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy là chủ yếu, chiếm 53,2%.

{keywords}
Vĩnh Phúc: Phát triển CNHT tập trung vào 5 nhóm ngành lớn. Ảnh minh họa.

Ông Lê Duy Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, CNHT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được hình thành và từng bước phát triển, trong đó tập trung vào 5 nhóm ngành công nghiệp lớn, đó là: Công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử-tin học; công nghiệp ôtô-xe máy; công nghiệp dệt-may, giày-dép; công nghiệp vật liệu xây dựng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (giai đoạn 2011-2016) ước đạt 28,79%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp với 12,67%/năm. Điều này cho thấy, CNHT Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển đáng kể và đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.

Sự phát triển nhanh của các lĩnh vực CNHT đã góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực phát triển (ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp ôtô-xe máy) và đóng góp một phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu của các ngành công nghiệp chủ lực (ngành điện tử; ngành lắp ráp ôtô-xe máy) của Vĩnh Phúc. Đặc biệt, CNHT phát triển đã cung cấp ra một khối lượng lớn các sản phẩm phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, từ đó hình thành mối liên kết sản xuất giữa DN trong nước và DN FDI, tạo điều kiện để DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.