Dựng bản đồ nông nghiệp, bán hàng ra toàn cầu

Không đơn thuần bán sản phẩm theo hình thức trực tiếp như trước đây, những ngày này bà Lưu Thị Hò -Giám đốc HTX nông lâm nghiệp dịch vụ thương mại Po Mỷ (Hà Giang) chuyển qua phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến.

Bà cho biết, chỉ 45 phút livestream bán hàng qua phiên “Chợ đêm trên mây”, HTX đã tiếp nhận 40 đơn hàng, với 1.000 chiếc bánh chưng đặc sản của cao nguyên đá Đồng Văn.

Hiện nay, HTX đều thực hiện livestream vào tối thứ Bảy hàng tuần trên fanpage để kết nối với khách hàng và tiếp thị sản phẩm. Nhờ đó, tỷ lệ tăng trưởng của các đơn hàng nông sản trong thời gian giãn cách xã hội lên tới 50%.

Tại Bình Phước, HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện có sản lượng mít ruột đỏ thu hoạch từ 1.000 ha của HTX được tiêu thụ với giá 40.000 đồng/kg. Thậm chí, giữa lúc nhiều địa phương gặp tình trạng ùn ứ nông sản, giá rớt thảm thì HTX này còn ký được hợp đồng xuất khẩu khối lượng với một công ty tại Hà Lan thông qua sàn thương mại điện tử.

{keywords}
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, nhiều HTX nông nghiệp tự tin vượt đại dịch Covid-19, thu được thắng lợi lớn (ảnh: D.Khánh)

Ông Nguyễn Viết Vị - Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện tự hào đã tạo ra được chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, mà ở đó các công đoạn đều được số hoá. 

Năm 2020 dịch Covid-19 lan rộng, lượng trái cây tiêu thụ của HTX giảm mạnh, hàng nhiều lúc bị ùn ứ. Khi đó, ông quyết định tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất theo con đường chuyển đổi số. HTX đã xây dựng hồ sơ điện tử, các thành viên của HTX hoặc các hộ liên kết đều được đánh mã số vùng trồng, cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn bà con làm nhật ký điện tử.

Như vậy, ông chỉ cần ngồi một chỗ, thông qua trang chủ sẽ quản lý được diện tích trồng trọt của HTX là bao nhiêu, phân bố ở những địa phương nào, sản lượng dự kiến, thời gian thu hoạch cụ thể… Nói một cách đơn giản thì đó chính là “bản đồ số nông nghiệp”.

Cũng chính nhờ vào bản đồ số này, ông có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Song song, HTX kích hoạt hệ thống bán hàng qua kênh online, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử để tìm kiếm đối tác xuất khẩu. Thành công bước đầu của HTX là thông qua sàn giao dịch đã được một công ty tại Hà Lan cam kết nhập khẩu lượng lớn mít mỗi tuần.

“Đến nay, ngoài mít, HTX còn trồng vú sữa hoàng kim, ổi ruột đỏ… Sản lượng các loại trái cây được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử chiếm tới hơn 30%”, ông Vị chia sẻ.

Chuyển đổi số để thoát khỏi cảnh “mù mờ”

Thời điểm đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ: "Nông dân mình rất giỏi, cần cù, thông minh tại sao chưa giàu như nông dân Hàn Quốc, Thái Lan?". Sau đó, người đứng đầu ngày Nông nghiệp nước ta đã nhiều lần đề cập về câu chuyện mù mờ trong nông nghiệp. Mù mờ về thông tin mới làm ngắt quãng cung – cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường, thị trường mù mờ về người sản xuất, người tiêu dùng mù mờ về chất lượng… Cơ quan quản lý cũng mù mờ về những câu chuyện đó.

Nền nông nghiệp mù mờ dẫn đến hệ quả chúng ta phải giải cứu, giá trị nông sản không thể tăng lên.
Theo Bộ trưởng Hoan, công nghệ 4.0 kết nối được người với vật, vậy tại sao không kết nối trái xoài, trái chuối, kết nối ngành nông nghiệp.

{keywords}
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chuyển đổi số sẽ khắc phục được tình trạng mù mờ trong nông nghiệp (ảnh: Trần Thường)

Trước đây, người ta mua quả vải, người ta thấy ở tận đâu đâu nên không mua. Giờ chỉ cần vào app (ứng dụng), nhấn một nút là xong, ngày hôm sau có vải thiều tươi ăn. Tiện lợi như vậy nên nhiều người đặt mua. Khi đầu cầu, tổng cầu tăng lên thì sản xuất, giá trị nông sản sẽ lên theo. Do đó, chúng ta phải tính cách mở con đường mới để kết nối nông sản từ ruộng vườn ra thị trường, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, bước đầu, nền nông nghiệp Việt cần phải có “bản đồ số nông sản”. Với bản đồ số nông sản, chúng ta có những thông tin chính xác về vùng sản xuất nguyên liệu, thời gian thu hoạch, sản lượng từng nhóm ngành hàng ở từng địa phương. Kèm theo đó sẽ tích hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá để chuyển hoá thành thông tin hữu ích, rồi minh bạch hoá sẽ giúp khắc phục tình trạng “mù mờ” trong ngành nông nghiệp hiện nay. 

Một khi có thông tin dữ liệu minh bạch, thông tin phân tích đa chiều với sự tham gia của cả đầu cung là ngành sản xuất ở các địa phương lên tới cơ quan chuyên ngành là Bộ NN-PTNT, đến các hệ thống trung tâm phân phối nông sản,… như vậy chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp minh bạch, thông minh.

Trên cơ sở đó, người sản xuất hiểu được nhu cầu của thị trường về sản lượng, quy chuẩn, về cách thức phân phối lưu thông; người tiêu dùng biết được xuất xứ, nguồn gốc nông sản; các trung tâm thương mại biết rõ được các vùng nguyên liệu ở trong từng thời điểm, không phải đợi đến lúc chuẩn bị thu hoạch chúng ta mới tính đến câu chuyện phân phối như thế nào mà phân phối đó phải được đặt trước với những dự báo. 

Theo Bộ trưởng, thế giới đang không ngừng chuyển động, trong khi chúng ta đã bỏ lỡ nhiều chuyến tàu. Do đó, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, người nông dân cần nắm tay nhau bước lên một đoàn tàu mới mang tên “Chuyển đổi số” để nông nghiệp Việt tiến xa hơn, giá trị nông sản Việt tăng lên.

Hà Giang