Những nỗ lực bền bỉ

Theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ, chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của tỉnh Cà Mau đạt 83,46%, xếp hạng 41, tăng 3,82% và tiến 8 bậc so với năm 2019. Kết quả này là sự ghi nhận nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh trên mọi lĩnh vực, đặc biệt thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các đơn vị từ tỉnh đến xã trung bình đạt từ 99,42 - 99,98%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh trung bình đạt đến 95%.

Chú trọng đến hoạt động hiệu quả, tỉnh Cà Mau sắp xếp tổ chức bộ máy ngày càng tinh gọn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành chính. Hiện Cà Mau chỉ còn 101 phòng, 11 tổ chức hành chính trực thuộc sở và tương đương, giảm 20 phòng và 7 tổ chức hành chính so với năm 2011; 624 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 62 đơn vị so với năm 2011; tổng số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên cũng tăng từ 26 lên 50.

Đáng chú ý, UBND đặc biệt tích cực nghiên cứu và áp dụng nhiều giải pháp, sáng kiến trong cải cách hành chính, tạo thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Trong đó có thể kể đến việc ứng dụng phần mềm một cửa liên thông (ISO điện tử) vào giải quyết thủ tục hành chính. Nhờ đó, trong năm 2020, hơn 30% hồ sơ được thực hiện trên môi trường mạng, giảm chi phí cũng như thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

{keywords}
Ảnh: camau.gov.vn

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau tiến hành thí điểm việc nộp hồ sơ một lần nhưng nhận được 2 kết quả với những thủ tục hành chính có cùng thành phần hồ sơ, hoặc kết quả giải quyết của thủ tục này là hồ sơ đầu vào của thủ tục khác. Hay thí điểm “Phi địa giới hành chính” trong tiếp nhận và giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh. Tỉnh cũng triển khai giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “4 tại chỗ”, theo hình thức đặt lịch, hẹn giờ; ứng dụng Zalo... hướng đến nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh.

Ưu tiên ứng dụng công nghệ

Dịch vụ công trực tuyến là một trong những yếu tố mang tính quyết định trong cải cách hành chính. Trên tinh thần đó, một số sở ban ngành tại Cà Mau như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng đều tích cực khuyến khích người dân, doanh nghiệp và các tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến về đăng ký kinh doanh, giải quyết thủ tục đất đai, xây dựng…

Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, từ giữa tháng 7/2021, UBND tỉnh Cà Mau có chỉ đạo dừng tiếp nhận thủ tục hành chính trực tiếp tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã, chỉ tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến.

Từ tháng 5/2021, Cà Mau triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Đây là bước tiến quan trọng của Cà Mau trong việc đơn giản hóa giấy tờ hành chính bởi chỉ một bản sao chứng thực điện tử có thể sử dụng cho nhiều bộ hồ sơ trực tuyến khác nhau, vừa giúp cá nhân và tổ chức dễ dàng thực hiện trực tuyến đa số các thủ tục hành chính cũng góp phần tiết kiệm cả về chi phí lẫn thời gian.

{keywords}
Ảnh: songoaivu.camau.gov.vn

Quyết tâm “thăng hạng”

Để tiếp tục “thăng hạng” chỉ số cải cách hành chính cũng như tăng độ hài lòng của người dân, tỉnh Cà Mau định hướng tăng cường kiểm tra ít nhất 30% số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố cũng như rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện.

Tỉnh Cà Mau đồng thời tiếp tục hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống xử lý nghiệp vụ chuyên ngành.

Trong năm 2021, tỉnh Cà Mau xác định hoàn thành việc tích hợp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Từ tháng 8/2021 - 6/2022, Cà Mau dự kiến triển khai thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tại nhà ở các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời và TP. Cà Mau, áp dụng với thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Song song đó, Cà Mau đặt mục tiêu từ năm 2022 mỗi năm sẽ tăng trưởng 20% tỷ lệ hồ sơ được số hóa ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, vừa tạo nền tảng cơ bản cho triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử.

Những chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính cũng đang là yếu tố then chốt thu hút các nhà đầu tư đến với Cà Mau, từ đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Bằng chứng là 6 tháng đầu năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cà Mau vẫn thu hút 20 dự án đầu tư mới với tổng vốn 5.319 tỷ đồng.

N.An