Ngày 8/4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 132/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Tại đây, kết quả tích cực nhất được Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao là Bộ Công thương và 4 tập đoạn đã hoàn thành gần 70% khối lượng nhiệm vụ sau hơn 2 năm thực hiện Đề án.

Trong đó, chỉ tính riêng PVN, đến thời điểm này, 2/5 dự án kém hiệu quả của PVN là PVTEX và Dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã được vận hành trở lại.

Trong kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Một kết quả nổi bật từ phiên họp thứ 6 đến nay là việc xử lý xong tranh chấp pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC của dự án PVTEX bằng phương pháp hòa giải. Nhờ đó, PVN không phải thanh toán các chi phí lên tới 23 triệu USD, tạo ra cơ sở để thực hiện định giá, kiểm toán kết quả định giá nhà máy và cơ cấu lại PVTEX.

{keywords}
Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ đã được vận hành trở lại.

Theo Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, PVTex đã vận hành ổn định 10 dây chuyền sợi cho ra hơn 4.000 tấn sản phẩm, lợi nhuận thu về bù đắp được các chi phí sản xuất. PVTex đang làm việc với các ngân hàng để thu xếp vốn khởi động toàn bộ nhà máy trong năm nay. Nếu như trước đây, PVTex được ví như “bệnh nhân đã chết lâm sàng” nhưng hiện nay đã đứng dậy và có bước đi vững chắc đầu tiên.

Đến nay, sản phẩm của Pvtex đạt chất lượng tốt, đạt loại A. Đặc biệt là đã xuất khẩu thành Công vào thị trường Hoa kỳ. Chi phí giá thành giảm so với kế hoạch và so với trước đây

Bên cạnh đó, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã tiến hành sản xuất theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap;) từ tháng 10/2018 đến nay đã cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 m3 cồn ethanol, 183 tấn CO2 thực phẩm và 314 tấn bã sắn thức ăn gia súc.

Trong khi đó, 1 dự án khác đang xây dựng kế hoạch và xác định thời điểm vận hành sản xuất phù hợp với điều kiện thị trường. Riêng Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa để sẵn sàng khởi động lại.

Trước diễn biến tích cực này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhanh chóng báo cáo việc nhà máy Ethanol Quảng Ngãi sẽ thoái vốn hay sáp nhập với Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn.

Với nhà máy Ethanol Bình Phước, Phó Thủ tướng đề nghị PVN phối hợp với doanh nghiệp nắm cổ phần chi phối khởi động nhà máy để thoái vốn Nhà nước. Còn đối với các dự án vẫn còn vướng mắc, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá đầy đủ thông tin, các bất cập và khó khăn trong xử lý, các vấn đề pháp lý tranh chấp hợp đồng... các bộ ngành liên quan cần tích cực xử lý, làm quyết liệt và dứt điểm.

“PVN lựa chọn và quyết định xử lý dứt điểm theo thẩm quyền, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trường hợp vượt thẩm quyền đối với các dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ; phối hợp tích cực với phía đối tác để thống nhất thời điểm khởi động lại nhà máy và thực hiện thoái vốn nhà nước khỏi dự án Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước”, thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Theo đại diện PVN, để tiếp tục gỡ khó cho các dự án còn lại, cần có thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ cho các dự án. Cụ thể, Bộ Công Thương cần tiếp tục xem xét duy trì thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xơ polyester là 2%, xem xét áp thuế suất nhập khẩu đối với sản phẩm sợi DTY polyeste là 3% khi toàn bộ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vận hành toàn bộ trở lại, đại diện PVTEX kiến nghị.

Đặc biệt, với các dự án trên, việc tái cơ cấu lại nợ và giãn khấu hao là giải pháp cần thiết để các doanh nghiệp “hồi sinh,” từng bước bù đắp chi phí, tích lũy nguồn trả nợ ngân hàng thay vì bị phá sản, mất vốn dẫn tới không có khả năng trả nợ, đại diện PVN chỉ rõ.

PVN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế cho phép sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp (không phải là ngân sách nhà nước) để xử lý các dự án khó khăn. Ngoài ra, công tác thanh tra, điều tra các dự án cần sớm xử lý dứt điểm để doanh nghiệp và người lao động yên tâm công tác, đóng góp cho dự án, doanh nghiệp.

Riêng đối với Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVN sẽ làm việc với các cổ đông để tìm phương án tối ưu, bao gồm cả phương án phá sản doanh nghiệp.

Minh Sơn