- Tiếp tục duy trì nhưng đổi mới, nâng cấp 37 bốt thông tin du lịch hiện tại hoặc “dọn dẹp” toàn bộ nếu chúng quá nhếch nhác, không hiệu quả - hai đề xuất mới nhất mà Sở VH-TT&DL Hà Nội vừa trình lên UBND TP.

Trước phản ánh của VietNamNet về tình trạng các bốt thông tin du lịch tự động đang xuống cấp trầm trọng, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội sáng 14/3 cho biết, đúng là qua 8 năm đưa vào hoạt động (từ 2006), các kios này đang “có vấn đề”.

Đầu tiên là khi triển khai đề án, nhà đầu tư (Công ty CP quảng cáo Đất Việt) không lường trước và tính toán hết sự khắc nghiệt của thời tiết đã tác động đến tính năng của các thiết bị điện tử. Trời mưa to, nước ngập còn gây chập điện dẫn tới hư hỏng thiết bị, xuống cấp phần khung bên ngoài. Tình trạng đào bới hè đường cũng gây nên mất điện cục bộ, làm giảm khả năng ứng dụng của thiết bị.

Theo thời gian, công nghệ được áp dụng dần trở nên lạc hậu.

{keywords}
Một số bốt thông tin du lịch đã xuống cấp trầm trọng do mưa nắng

Ngoài ra, ông Động cho rằng nội dung thông tin cũng chưa đủ hấp dẫn, nội dung quảng cáo chưa hợp lý (như thuốc tránh thai)... là trách nhiệm của Sở và các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát, cập nhật thông tin chưa đầy đủ và bổ ích, dẫn tới hiệu quả chưa đạt như mong đợi.

Cuối cùng, do thiết kế của bốt thông tin gồm 3 mặt quây lại cộng với ý thức sử dụng chưa cao nên bốt thông tin bị biến thành nơi trú mưa nắng, xả rác, tiểu tiện thậm chí chứa đồ, nấu cơm... của người dân.

Vì vậy, hiệu quả sử dụng của các trạm thông tin du lịch tự động giảm đi rất nhiều - ông Tô Văn Động thừa nhận. Ông nói thêm, đây là công trình xã hội hóa 100%, Công ty CP quảng cáo Đất Việt chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng, đưa nội dung vào thiết bị... Sở VH-TT&DL chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là cung cấp và kiểm soát thông tin quảng bá. Sau khi Đất Việt kết thúc dự án (từ tháng 12/2013) và chuyển giao 37 kios lại cho Sở VH-TT&DL, cơ quan này đã có công văn đề xuất hai phương án xử lý với UBND TP Hà Nội.

Theo đó, phương án 1 (cũng là phương án ưu tiên) là tiếp tục xã hội hóa 100% trên cơ sở 37 bốt thông tin cũ và đổi mới công nghệ, nâng cấp thiết bị kỹ thuật. Không mở thêm bốt mới. Nếu được UBND TP cho phép, Sở sẽ tiến hành đấu thầu triển khai chứ không còn duy nhất một đơn vị thực hiện nữa.

Ngoài ra, thay vì làm 3 mặt quây lại thành bốt như hiện nay, Hà Nội sẽ thay đổi hình thức gọn gàng, đẹp hơn. Bốt thông tin sẽ chỉ là một bảng đứng, vừa tầm, trên đó có thông tin tra cứu. Hiện thành phố đã triển khai thí điểm một bốt như vậy, đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ. 

{keywords}
Hình ảnh mẫu thiết kế bốt thông tin du lịch mới

Phương án 2 là sẽ thanh lý toàn bộ dự án do hệ thống đã xuống cấp, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu thông tin hiện tại. “Nếu các bốt thông tin này quá nhếch nhác, không hiệu quả, chúng tôi sẽ cho dọn dẹp ngay giống như xóa bỏ các bốt điện thoại trước đây”, ông Động nói.

Nhằm mục đích cung cấp thông tin cho du khách khi đến Thủ đô một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả nhất, Hà Nội đã triển khai lắp đặt 200 bốt thông tin du lịch tự động. Dự án chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một là 70 bốt, giai đoạn hai 130 bốt (sau thời gian thử nghiệm của giai đoạn 1 không quá 1 năm và được sự đồng ý của UBND TP).

Tuy nhiên, khi mới làm được hơn một nửa số trạm của giai đoạn một, tới tận 8 năm sau, số kios cũng không tăng lên mà mới đây nhất, ngày 15/12/2013, dự án đã kết thúc.

Trao đổi với PV.VietNamNet, bà Nguyễn Thị Kim Thủy, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty CP quảng cáo Đất Việt, cho hay số tiền đầu tư mỗi kios 7 năm về trước đã là 10.000 USD, chưa kể phí duy tu, bảo dưỡng. Lý giải về tình trạng các bốt thông tin xuống cấp hiện nay, bà Thủy cho rằng do đặt ngoài trời nên chúng không thể mới mãi được. Bà Thủy cũng cho rằng đây là thời điểm nhạy cảm nên không trả lời thêm bất cứ câu hỏi nào.

Trên thực tế, một số nước trong khu vực và thế giới có lắp đặt các bốt thông tin du lịch tự động như vậy và rất hữu ích cho du khách. Các bốt ở Hà Nội, theo Sở VH-TT&DL, ban đầu cũng rất hiệu quả, nhất là với khách đến từ các quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu... và đối tượng là khách du lịch của các nước phát triển. Vì thế, việc duy trì các bốt thông tin này được nhiều chuyên gia trong ngành cho là cần thiết, tuy nhiên, hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào hình thức, cách thức và nội dung truyền tải.

Ngọc Hà - Nhị Anh