Với mơ ước đưa Sài Gòn sẽ trở thành Trung tâm kết nối và lan tỏa ngành dệt may, đưa Thành phố trở thành Trung tâm thời trang của vùng Viễn Đông, ông Thái Tuấn Chí – Đại biểu HĐNDTP Hồ Chí Minh đã có những đề xuất tấm huyết và thực tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khoa học công nghệ

Hiện nay, DN thành phố đa phần là DN vừa và nhỏ, máy móc thiết bị, công nghệ và trình độ quản lý yếu, thiếu kinh phí để đầu tư mới và khảo sát hết thị trường mới trong TPP.

Doanh nghiệp lớn đầu tư công nghệ mới không đầu tư vào Thành phố vì thiếu nguồn lao động chất lượng cao, chi phí thuê mặt bằng cao gấp rưỡi các tỉnh thành lân cận, cơ sở hạ tầng bất cập, vẫn còn các rào cản về thủ tục hành chánh dẫn đến chi phí doanh nghiệp cao.

  {keywords}

Trong khi đó, Thành phố lại đang có những thế mạnh chưa được khai thác hết.

Viện nghiên cứu phát triển kinh tế; Sở khoa học - Công nghệ Thành phố tập trung nhiều nhà khoa học và chuyên gia ngành lỗi lạc nhưng sản phẩm tạo ra chưa đi vào nhu cầu thực tế DN mà chỉ dừng lại ở các đề tài nghiên cứu, trong khi DN cần khoa học công nghệ mang tính ứng dụng thực tiễn.

Thành phố là trung tâm chất xám, trí tuệ với: Trên 37 trường đại học công lập, 6 Học viện, đặc biệt, năm 2016 trường Fullbright Hoa Kỳ sẽ được mở tại Thành phố. Tuy nhiên, nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng cho DN với những ngành công nghiệp phụ trợ và ngành công nghệ cao.

Do vậy, để khoa học công nghệ Thành phố trở thành động lực cho sự phát triển cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm để phát triển khoa học công nghệ.

Có chính sách cạnh tranh để thu hút đầu tư mới máy móc thiết bị, công nghệ cao từ các DN như như: Phát triển các định chế tín dụng, quỹ tín dụng ngoài các ngân hàng thường mại, hỗ trợ lãi suất ngân hàng.

Các DN phải đầu tư bộ phận Nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia nước ngoài – do vậy cần có chính sách ưu đãi đối với những DN trong nước làm ra được sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao ngang tầm quốc tế và khu vực.

Có chính sách cho các nhà khoa học trong nước với những đề tài ứng dụng thực tế cho doanh nghiệp. Có chính sách tận dụng chuyên gia quốc tế đến đào tạo và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Thành lập Trung tâm hỗ trợ DN nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Theo đó, kết nối Sở Công thương, Sở Khoa học - Công nghệ, các trường Đại học, Viện nghiên cứu kinh tế Thành phố và các chuyên gia quốc tế bằng việc lập Viện nghiên cứu phát triển và đào tạo.

Từ đó: Nghiên cứu xu hướng phát triển của từng ngành trên thế giới mà Thành phố định hướng phát triển, đưa ra các sản phẩm ứng dụng tiên phong đi đầu tạo giá trị gia tăng; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những ngành mũi nhọn, tư vấn cho DN xuất khẩu vào thị trường TPP về: thuế suất, luật chơi, hàng rào kỹ thuật,… tại từng quốc gia.

Song song đó, hỗ trợ chi phí DN để xúc tiến vào các thị trường này, đặc biệt là thị trường Nhật, Hoa Kỳ là những thị trường lớn trên thế giới, Hoa Kỳ là quốc gia sẽ giảm 50% thuế suất ngay trong năm đầu tiên TPP có hiệu lực.

Kết nối DN Việt Nam liên doanh với DN nước ngoài nhằm tạo chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu vì hiện nay doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhưng thiếu các vệ tinh cung cấp sản phẩm cho chuỗi giá trị.

Làm được những việc này, khoa học công nghệ sẽ góp phần tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, Thành phố sẽ có nhiều sản phẩm chủ lực để xuất khẩu vào TPP, từ đó góp phần đảm bảo nguồn thu ổn định và bền vững.

Sài Gòn: Trung tâm thời trang vùng viễn đông

TPP là cơ hội lớn cho ngành dệt may Tp.HCM gia nhập vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. Với đặc điểm chuỗi giá trị dệt may là do người mua định hướng, yếu tố thành công là thiết kế, thương hiệu và phân phối, do vậy tại Paris – kinh đô thời trang phương Tây - có hàng chục trường đào tạo về dệt may và thiết kế thời trang đẳng cấp quốc tế như: Trường nghệ thuật ứng dụng thời trang Duperre, nhiều trường nghệ thuật ứng dụng khác (Roubaix, Ensait, Mod’Art,…) trong khi Tp.HCM chỉ có 1 trường Cao đẳng về Dệt may.

Năm 2014, Thành phố đã phê duyệt dự án “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may TP.HCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, để tận dụng tốt nhất cơ hội TPP đưa TP.HCM trở thành “Trung tâm thời trang vùng Viễn Đông”.

{keywords}

Muốn thực hiện điều này cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư quốc tế và trong nước vào ngành công nghiệp thời trang có giá trị gia tăng, với các chính sách cụ thể.

Thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng Công nghiệp thời trang tập trung vào 3 khâu thiết kế - thương hiệu và phân phối. Hợp tác với chuyên gia quốc tế nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo các công nghệ vào khâu thiết kế để đưa ra các sản phẩm tạo giá trị gia tăng theo 3 xu hướng của thế giới là: Thông minh - Xanh – Sáng tạo; Kết hợp với các chuyên gia để đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực.

Xây dựng Trung tâm trưng bày vải sợi, sản phẩm công nghiệp thời trang nhằm thu hút các nhãn hiệu thời trang quốc tế; thu hút các nhà thiết kế thời trang quốc tế đến hợp tác và làm việc; thu hút các nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp thời trang quốc tế.

Vận động các nhà tổ chức hội nghị quốc tế để tổ chức sàn CatWalk, các hội nghị, triển lãm liên quan về thời trang, hội chợ về nguồn cung ứng sản phẩm giá trị cao tại Thành phố…

Nếu thực hiện được điều này, tin rằng, Sài Gòn sẽ trở thành Trung tâm kết nối và lan tỏa ngành dệt may, đưa Thành phố trở thành Trung tâm thời trang của vùng Viễn Đông, chiếm lĩnh các thị trường lớn (Mỹ, Nhật, Canada,…) từ đó sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành: thương mại, dịch vụ, du lịch, logictic và lan tỏa ra các ngành mũi nhọn khác của Thành phố; Đồng thời khi Thái Lan, Indonesia,… là những nước có ngành dệt may phát triển đang mong muốn gia nhập TPP – nếu sau này có gia nhập cũng không thể bắt kịp Việt Nam.

Với vị trí Trung tâm này, Thành phố sẽ giữ vai trò “con Sếu đầu đàn”, vừa phát triển theo đúng thế mạnh của mình, vừa kéo các tỉnh thành khác cùng phát triển.

 Xây dựng thương hiệu TP Hồ Chí Minh thông qua TPP

TP.HCM sẽ được quốc tế biết nhiều hơn và GDP sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi chúng ta vận động thành công để TPP đặt văn phòng hành chính chi nhánh tại đâ.

Thực tiễn cho thấy khi văn phòng của WTO đặt tại Geneva (Thụy Sĩ) hoặc OPEC đặt tại Vienna (Áo) thì các địa phương đó khẳng định được tiềm năng và sức mạnh toàn diện cũng như sự tiến bộ của quốc gia đó trên trường quốc tế, đặc biệt là sức mạnh kinh tế.

Thiết nghĩ TP.HCM có thể làm được điều này vì: Việt Nam là đối tác chiến lược với Hoa Kỳ và Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 trên thế giới; Việt Nam có nền kinh tế - chính trị - xã hội ổn định; TP.HCM là trung tâm thương mại của cả nước.

Thái Tuấn Chí