Nhiều lời quảng cáo hấp dẫn được đưa ra như sử dụng các nhân vật giàu có rất nhanh nhờ giá trị quy đổi rất cao của các loại tiền điện tử, cho đến đăng tải những hình ảnh, clip về các “chuyên gia đọc lệnh”, “đại tỷ tỉa nến”, “thợ đục sàn”. Đã có nhiều người bị lừa đảo khi tham gia các sàn giao dịch này. Vậy đằng sau những hình ảnh hào nhoáng ấy là gì?

Lợi dụng việc khoảng một nửa dân số cả nước đang chủ yếu ở nhà do thực hiện giãn cách xã hội, trong thời gian gần đây, nhiều người nhận được các loại quảng cáo, mời chào tham gia vào các sàn giao dịch tiền điện tử, cài đặt các ứng dụng kiếm tiền trực tuyến. Trong đó, các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân luôn được quảng cáo sử dụng công nghệ blockchain, không thể sửa đổi thông tin trên sàn và kết nối với các đơn vị uy tín trên thế giới. 

Người chơi được mời chào kiếm tiền bằng cách tham gia trực tuyến chọn giá lên hoặc giá xuống của một loại tài sản thật theo thời gian thực, hoặc lựa chọn tỷ giá giữa hai loại tiền tệ lên xuống để mua vào hoặc bán ra. Nếu thắng thì sẽ nhận được lợi nhuận vào tài khoản. Tuỳ theo quy định của mỗi sàn, thì lợi nhuận đó có thể là tiền điện tử, USD hay tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo đây thực chất là một hình thức đánh bạc trực tuyến, không được pháp luật nước ta bảo vệ.

{keywords}
Để thuyết phục, lôi kéo người chơi, các sàn đăng tải trên mạng xã hội các nhân vật giàu có nhờ tiền điện tử có giá trị quy đổi ra tiền thật ngày càng cao và loại tiền đó được nhiều quốc gia chấp nhận. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Trần Việt Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty Fiin Credit phân tích: "Bản chất nó là mô hình đánh bạc online và trong đó, thì trên sàn, các thế hệ thống này không phải là hệ thống kết nối với các công ty uy tín trên thị trường thế giới. Đây là các sàn được lập bởi các đội nhóm ở Việt Nam và bị chi phối bởi các nhóm đó.

Các đội nhóm có thể can thiệp vào việc tạo ra kết quả cho khách hàng thắng hoặc thua bất cứ lúc nào, sau họ sẽ thua, cho cháy tài khoản… thì đấy là chuyện nằm trong tay của họ. Các sàn như vậy họ sẽ dùng các hệ thống tập trung, chứ không phải là dùng công nghệ blockchain. Họ dùng các thuật ngữ về công nghệ blockchain là để quảng cáo, chứ thực tế họ không phải là những hệ thống sử dụng chạy trên công nghệ đó".

Lợi dụng sự mù mờ về công nghệ của người chơi, các sàn giao dịch này có thể đem đến lợi nhuận ảo cho họ, nhưng sau khi có nhiều người nộp tiền vào tài khoản để tham gia “rút lãi”, họ lập tức biến mất.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Chuyên gia công nghệ tài chính Fintech - cảnh báo: "Chính vì không có cơ quan quản lý cấp phép, không ai kiểm duyệt, nên bản thân người vận hành các sàn đa cấp này cũng có thể bỏ trốn và rút rất nhanh. Thứ hai, trong việc xác định sàn kinh doanh đa cấp này có an toàn hay không, thì với những người mới vào, để tránh bị lừa có thể nhận biết rất đơn giản: Đó là cái gì không tạo ra giá trị, mà lại có lợi nhuận rất cao thì 100% là lừa đảo".

Để thuyết phục, lôi kéo người chơi, các sàn đăng tải trên mạng xã hội các nhân vật giàu có nhờ tiền điện tử có giá trị quy đổi ra tiền thật ngày càng cao và loại tiền đó được nhiều quốc gia chấp nhận. Chiêu thức khác là giới thiệu về các “chuyên gia đọc lệnh”, “đại tỷ tỉa nến”, “thợ đục sàn”…. theo cách người thật – việc thật, nên người chơi ngày càng tin tưởng vào cơ hội “đổi đời”. Sau đó là chiêu thức mời chào theo mô hình đa cấp, cứ người chơi trước mời được thêm người chơi sau tham gia thì được chia hoa hồng. 

Ông Hoàng Viết Tiến, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Insider cho biết: "Trên thị trường đang xuất hiện nhiều mô hình lừa đảo. Thứ nhất, những kẻ lừa đảo có thể trả lợi nhuận rất cao, vài trăm phần trăm hoặc vài chục % không phải chỉ 1 năm mà là một tháng thậm chí là hàng tuần. Thứ hai là các mô hình ủy thác cho các dự án hay ủy thác cho các chuyên gia này.

Ví dụ, chúng ta không biết về tiền ảo, thế nhưng họ bảo, nếu không biết về tiền ảo thì hãy ủy thác cho nhà đầu tư này, nhà đầu tư kia. Đấy là các chuyên gia đang đầu tư “bách phát bách trúng”, không bao giờ lỗ.

Thứ ba, chủ sàn có thể vẫn trả tiền như cam kết, nhưng tiền trả cho các nhà đầu tư bao giờ cũng nhỏ hơn tổng số tiền trên sàn của họ, để tạo niềm tin nhất định cho nhà đầu tư. Thứ tư là lừa đảo bằng cách hứa hẹn trả lãi suất cao, nhưng họ lại không trả bằng tiền mặt mà lại trả bằng tiền ảo. Các nhà đầu tư rút tiền ra, thì lại phải đóng thêm một số tiền được gọi là đóng thêm phí chuyển đổi. Tức là số tiền của mình bị chiếm đoạt, thậm chí còn phải đóng thêm phí cho người chiếm đoạt nữa".

Luật An ninh mạng, Bộ Luật Hình sự đều đã có quy định xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng các hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân để lừa đảo, đánh bạc, kinh doanh đa cấp. Bộ Công an khuyến cáo, nếu bị chiếm đoạt tiền hoặc tài sản, người chơi – nhà đầu tư cần tố cáo với các cơ quan có thẩm quyền, để có thể xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật về việc “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

(Theo VOV)

'Sống dở chết dở' vì tiền ảo Robomine

'Sống dở chết dở' vì tiền ảo Robomine

Tin vào lời chào mời của một nhóm môi giới, hàng chục nghìn người đã bỏ tiền vào mô hình đào tiền ảo Robomine (RBM) được quảng cáo là ngân hàng số đến từ Anh Quốc.