Mở cửa phiên giao dịch 22/7, giá vàng miếng SJC được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 52,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 52,80 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 800 nghìn đồng ở chiều mua vào và tăng 1,4 triệu đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.

Như vậy, trong 2 phiên liên tiếp, giá vàng đã chinh phục những ngưỡng cao kỷ lục mới: 51 triệu đồng/lượng hôm qua (21/7) và giờ đây là 52 triệu đồng/lượng.

Vàng trong nước tăng chủ yếu do vàng thế giới giao ngay đêm qua (giờ Việt Nam) tăng nhanh lên ngưỡng 1.859 USD/ounce. Trong khi vàng giao tháng 8 đã lên mức 1.862 USD/ounce (gần 52,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí).

Tính từ đầu năm tới nay giá vàng đã tăng 22%, còn so với đầu 2019 giá vàng tăng khoảng 44,9%.

Giao dịch tại các cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội vẫn không có nhiều thay đổi, không sôi sục như các đợt tăng giá mạnh nửa đầu thập kỷ trước. Tình trạng xếp hàng mua vàng, viết giấy hẹn giao vàng sau… không còn lặp lại. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng cũng tăng hơn so với các phiên trước đó.

{keywords}
Giá vàng giao ngay thế giới sáng 22/7 (giờ Việt Nam) vọt lên gần 1.860 USD/ounce.

Sáng 22/7, chênh lệch giá mua vào và giá bán ra tại các doanh nghiệp đã được kéo rộng ra, lên mức khoảng 800 nghìn đồng/lượng, thay vì mức chênh chỉ khoảng 300-400 nghìn đồng trong các phiên liền trước. Trong các đợt sốt trước, mức chênh lên thường tới cả triệu đồng/lượng.

Mức chênh thấp trong vài phiên trước là tín hiệu cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trong nước đang đẩy mạnh gom vàng từ trong dân trong bối cảnh giá vàng trong nước vẫn thấp hơn vàng thế giới.

Vàng thế giới tăng mạnh do đồng USD sụt giảm trong bối cảnh đồng euro tăng mạnh sau khi 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận về gói giải cứu các nền kinh tế trong khu vực, trị giá 750 tỷ euro (860 tỷ USD).

{keywords}
Giá vàng vọt lên 52,8 triệu đồng/lượng

Đồng USD hiện được được đánh giá là “rất dễ tổn thương” bởi các chương trình bơm tiền lớn của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như chính quyền ông Donald Trump. Sự thiếu hấp dẫn nói chung của đồng bạc xanh cũng là yếu tố khiến USD tiếp tục suy yếu.

Đồng USD đã giảm 5,1% trong vòng 3 tháng qua và giảm 2,3% từ đầu tháng 7. Trong khi đó, đồng euro tăng 5,8% trong vòng 3 tháng qua và lên mức cao nhất so với đồng bạc xanh kể từ đầu 2019.

Một số tổ chức quốc tế dự báo giá vàng còn tiếp tục đi lên và việc phá vỡ đỉnh cao lịch sử (1.920,3 USD/ounce đạt được hồi tháng 9/2011) chỉ còn là vấn đề thời gian, có thể chỉ trong khoảng 3 tháng nữa.

V. Minh