Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố nghị quyết về việc dự kiến vay vốn từ HSBC chi nhánh Singapore và một số tổ chức tín dụng khác với tổng mức tín dụng 120 triệu USD.

Đây là gói vay tiếp theo của ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ Thế giới Di động của đại gia Nguyễn Đức Tài.

Trong 9 tháng, MWG đã phải vay hơn 36 nghìn tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và vận hành cùng lúc 3 chuỗi bán lẻ: Thế Giới Di Động (điện thoại), Điện Máy Xanh và Bách hóa Xanh với hàng nghìn điểm bán hàng.

Một điểm cũng đáng chú ý là doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức tài đã chi trả được gần 37,4 nghìn tỷ đồng tiền nợ gốc vay. Nó giúp tổng nợ vay và thuê tài chính của công ty giảm so với đầu năm.

Tuy nhiên, con số vay nợ của MWG vẫn rất lớn. Chi riêng khoản vay và nợ thuê tài chính của MWG vẫn trên 13 nghìn tỷ đồng (khoảng 560 triệu USD), trong đó vay ngắn hạn là 11,88 nghìn tỷ đồng (510 triệu USD).

Trên thực tế, Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài là một doanh nghiệp bán lẻ hoạt động tốt, nhưng những khoản vay lớn khiến rủi ro tăng lên. Tham vọng mở rộng chuỗi Bách Hoá Xanh mở ra cơ hội phát triển nhiều hơn nhưng rủi ro cũng nhiều hơn. Động thái mở rộng chuỗi Bách Hoá Xanh có thể khiến thời điểm hòa vốn sẽ kéo dài ra.

{keywords}
Ông Nguyễn Đức Tài.

Chuỗi Bách Hoá Xanh hiện có khoảng 1.650 cửa hàng. Theo kế hoạch, năm 2021 mở thêm khoảng 500-700 cửa hàng.

Trước đó, Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài đã công bố mục tiêu tới cuối 2022 sẽ mở 1.200 cửa hàng điện máy siêu nhỏ với diện tích từ 120-150m2 với 4 nhân viên mỗi cửa hàng, đồng thời lấn sân sang các thị trường trong khu vực như: Philippines, Myanmar và Indonesia.

Đây cũng được xem là khoảng thời gian quan trọng để các doanh nghiệp lớn xác lập vị trí thống trị, gia tăng thị phần trong lĩnh vực kinh doanh của mình như trường hợp Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung, bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh Masan của ông Nguyễn Đăng Quang hay gần đây là mảng phân phối tới các cửa hàng truyền thống của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Gần đây, Vingroup của ông Vượng đã xây app VinShop, một ứng dụng được cho là nhằm kết nối giữa chủ tạp hóa bán lẻ và các đơn vị cung cấp hàng hóa. Đây được coi là miếng bánh lớn nhất trên thị trường mà các đại gia Việt chưa khai thác được.

Những bước đi của Thế giới Di Động, PNJ hay Masan và Vingroup… gần đây cho thấy các doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh khai phá tiềm năng của mảng bán lẻ hiện đại, thay dần cho mảng bán lẻ truyền thống, vốn đang chiếm thị phần lớn nhất.

Với một thị trường lớn khoảng 94 triệu người, cùng với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập người dân tăng lên đáng kể trong những năm gần đây…, bán lẻ là mảng thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, vay nợ đầu tư nhiều đồng nghĩa với rủi ro lớn. Việc kiểm soát được rủi ro là điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cũng là một doanh nghiệp tham vọng và đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, doanh nghiệp của Bầu Đức gặp khó do đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực.

Cú đảo chiều từ bất động sản và thủy điện sang lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có trồng cây cao su đã không được như kỳ vọng. Giá cao su giảm mạnh khiến những tính toán của Bầu Đức không trở thành hiện thực.

Những dự án nuôi bò, trồng mía, trồng ớt… để lấy ngắn nuôi dài cũng không có kết quả như mong muốn. Ông Đức đã bán mảng trồng mía cho Thành Thành Công của nhà ông Đặng Văn Thành.

Hiện, HAGL tập trung vào mảng chủ lực là cây ăn trái với sự hỗ trợ từ một cổ đông lớn mới là Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương. Bầu Đức tham vọng xây dựng một đế chế nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 20/11, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng và đã lên trên ngưỡng 980 điểm.

Theo BVSC, VN-Index sẽ gặp áp lực rung lắc điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự quanh 990 điểm. Về tổng thế, xu hướng thị trường vẫn được đánh giá tích cực trong ngắn hạn với sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền nội và sự trở lại mua ròng của khối ngoại. Do đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn là được xem là các nhịp nghỉ cần thiết để giúp chỉ số tiếp tục hướng đến các mức cao mới trong thời gian tới. Diễn biến thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, dòng tiền trên thị trường sẽ bắt đầu có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/11, VN-Index tăng 9,73 điểm lên 983263 điểm; HNX-Index tăng 0,06 điểm lên 146,85 điểm. Upcom-Index tăng 0,17 điểm lên 66,05 điểm. Thanh khoản đạt 12,0 nghìn tỷ đồng.

V. Hà