Không quảng cáo, người uống vẫn uống
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của Rượu, Bia (lần thứ 5) đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp rộng rãi để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sắp tới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, quy định cấm, hạn chế quảng cáo, khuyến mại và tài trợ đối với rượu, bia sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn.
“Chúng ta suy nghĩ rằng, nếu bỏ quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ, thì người uống rượu, bia sẽ giảm. Song việc uống rượu, bia với quảng cáo, khuyến mại và tài trợ không liên quan đến nhau. DN có quảng cáo, khuyến mại, tài trợ hay không thì người uống vẫn cứ uống. Tại Việt Nam, các loại đồ uống có cồn bất hợp pháp, không chính thức, dù không quảng cáo, khuyến mại hay tài trợ những vẫn chiếm thị phần lớn trên thị trường, chẳng hạn như rượu người dân nấu thủ công. Vì vậy, những quy định trên sẽ làm hạn chế tính linh hoạt của DN và làm mất đi tính minh bạch của thị trường”, ông Ngô Trí Long nhìn nhận.
Việc cấm, hạn chế quảng cáo, khuyến mại và tài trợ sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho kinh tế - xã hội. Không chỉ có DN sản xuất kinh, doanh rượu, bia mà các ngành khác như quảng cáo, du lịch, văn hóa, thể thao,... cũng sẽ ảnh hưởng, ông Long nói.
Luật gia Phạm Văn Khải, Hội Luật gia Việt Nam cho biết, những quy định trên đánh vào ngành rượu, bia quá nặng nề. Chẳng hạn quy định không được đặt quảng cáo ngoài trời, trong bán kính 500m, tính từ cổng của cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi là quá rộng. Nếu vậy, tại các thành phố rất khó tìm chỗ đặt biển và sẽ làm chi phí tăng. Liệu cấm, hạn chế quảng cáo, khuyến mại và tài trợ có thể làm giảm tiêu thụ rượu bia hay không. Cơ quan soạn thảo có vẻ như không quan tâm đến hoạt động của DN và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, theo ông Khải.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, pháp luật hiện hành của Việt Nam chỉ cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, không cấm quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ, không hề cấm khuyến mại và tài trợ tất cả các loại rượu, bia. Những quy định trong Dự thảo Luật có xung đột lớn, khó xử lý, với pháp luật hiện hành, trong việc kiểm soát hoạt động quảng cáo, khuyến mại và tài trợ rượu, bia.
Trong phiên thảo luận tại tổ, tại Kỳ họp Quốc hội tháng 11/2018 vừa qua, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu TƯ, đã từng nêu quan điểm: Luật phải quản lý tất cả những gì có thể gây hại, cả trực tiếp và gián tiếp, từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, tiêu thụ, nhưng đừng “khai tử” việc sản xuất rượu, bia đúng quy định.
“Tôi còn mơ ước, Việt Nam sẽ xuất hiện một vài loại rượu nổi tiếng thế giới mà đi qua đây, kiểu gì người ta cũng phải mua mang về. Vì vậy, luật này không phải cấm, mà là kiểm soát và làm cho cái tốt nhân rộng lên”, ông Trí nói.
Việt Nam là quốc gia sử dụng đồ uống có cồn ngoài kiểm soát cao. |
Thiếu thuyết phục
Quy định về việc không được bán rượu, bia, có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet nhưng lại được phép kinh doanh trên thị trường khiến nhiều ý kiến cho là thiếu thuyết phục. Bởi, mục đích là để làm gì, cấm bán trên Internet có làm giảm lượng người mua không? Trong thời đại công nghiệp 4.0 mà cấm bán hàng qua mạng là quy định bất hợp lý. Không những thế, việc bán trên mạng còn tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nắm bắt được chất lượng thật của rượu bia cũng như địa chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm bán ra. Người tiêu dùng có được thông tin đầy đủ và chính xác để lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn, đẩy lùi những sản phẩm bất hợp pháp.
Trong khi Dự thảo Luật đưa ra những quy định quản lý chặt với ngành sản xuất rượu, bia chính thống thì rượu, bia thủ công, bất hợp pháp lại không được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn như rượu thủ công chiếm tới 70% trên thị trường, với gần 300 triệu lít tiêu thụ mỗi năm, chất lượng không đảm bảo, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người tiêu dùng, lại không có quy định kiểm soát chẽ.
Ông Patrick Castanier, đồng chủ tịch Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, nhận xét: Việt Nam là quốc gia sử dụng đồ uống có cồn ngoài kiểm soát khá cao. Theo số liệu từ WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đồ uống có cồn nằm ngoài kiểm soát, tính bình quân trên đầu người từ 15 tuổi trở lên, trên thế giới là 24,8%, Đông Nam Á là 47% thì Việt Nam 69,7%.
Nếu các quy định trong Dự thảo Luật khiến những DN sản xuất rượu, bia hợp pháp hoạt động khó khăn, thì càng tạo cơ hội cho đồ uống có cồn không kiểm soát về chất lượng bùng phát.
Ý kiến từ nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam rất yếu trong việc kiểm soát rượu, bia thủ công, rượu, bia trôi nổi, nhái, giả,... nhưng Dự thảo Luật không có các quy định khả thi để quản lý vấn đề này.
Theo quy định tại Dự thảo Luật, sẽ cấm DN quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn đến 21 giờ hằng ngày, ngay trước trong và sau các chương trình dành cho trẻ em; Không được đặt quảng cáo ngoài trời, trong bán kính 500m tính từ cổng của cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi. Các DN sẽ không được tài trợ bằng sản phẩm bia; Không được để tên, hình ảnh, thông tin về sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ. Việc khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ trực tiếp đến người tiêu dùng cũng bị cấm. Ngoài ra, còn không được bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng Internet. |
Trần Thủy