Mùng 6 Tết (6/2), anh Xuân Nam (ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) rủ bạn bè đi ăn món "tủ" là bún ốc bán trên phố Nguyễn Thái Học (quận Hoàn Kiếm) và bất ngờ khi phải trả tới 70.000 đồng/bát. "Ngày mùng 1 Tết, tôi cũng ăn bún ốc và cũng phải trả 80.000 đồng/bát, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là giá "ăn theo" ngày Tết do hàng quán ít mà nguồn cầu thì đông nên tạm chấp nhận. Thế nhưng, mùng 6 đã là hết Tết rồi, nhịp sống bình thường trở lại rồi. Vậy mà sao giá vẫn đắt đỏ thế? Trong khi tôi thấy ở chợ, giá các loại nguyên liệu của món ăn này hiện có tăng đột biến đâu, tại sao các chủ quán vẫn bán đắt cho khách, thật vô lý", anh Nam nói.
Tuy vậy, anh Nam vẫn phải chấp nhận chi tiền để được ăn bát bún đắt đỏ này, vì anh cho biết "đã quá ngấy những món ăn ngày Tết".
Tương tự, nhiều thực khách khi ăn bún riêu tóp mỡ tại một quán nổi tiếng nằm trên phố Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng) đều cho rằng, giá bán khá "chát". Một bát đầy đủ giá 60.000 đồng, nếu gọi thêm đồ ăn kèm thì còn lên đến 100.000 đồng.
Theo chia sẻ của anh Phạm Quang (chủ một quán bún riêu tóp mỡ ở quận Hoàng Mai), bát bún riêu đầy đủ gồm bún, bò, sụn, giò tai, mọc, tóp mỡ, đậu thường có giá khoảng 35.000 - 40.000, cao nhất là 45.000 đồng. Tuy nhiên, sau Tết nguyên đán, một số quán bán với giá 60.000 - 70.000 đồng/bát vì biết dù đắt nhưng khách vẫn sẵn sàng chi tiền để ăn.
Quả thực, khách hàng vẫn kéo đến rất đông, vì biết đắt đỏ nhưng ai cũng muốn thưởng thức món ăn lạ miệng, thanh chua, giải ngán sau nhiều ngày ăn đồ Tết. Theo quan sát, khoảng 12h ngày 8/2 (mùng 8 Tết), cả khách và đội ngũ shipper phải xếp hàng dài tràn ra hè phố để chờ đến lượt. Một vài người thậm chí còn phải đứng đợi hơn 20 phút vì “trượt oder”. Nhân viên thì tất bật đi lại, sắp xếp bàn ghế, chỗ ngồi, chỗ để xe cho khách.
Cũng giống như bún, món phở đặc sản ở Hà Nội cũng đang được nhiều quán giữ mức giá cao hơn nhiều so với ngày thường, dù đã hết Tết.
Anh Đặng Hà Minh ở Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) kể: “Tối 7/2, tôi ăn một bát phở bò với giá 70.000 đồng tại một quán trên phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm), mức giá này đắt gấp đôi ngày thường".
Còn chị Thanh Lan ở quận Hoàng Mai thì cho biết: "Trong Tết nguyên đán giá cao đã đành, giờ hết Tết rồi giá vẫn chưa chịu giảm như ngày thường. Rất nhiều quán phở đang bán 50.000 đồng/bát, một số ít thì bán 40.000 - 45.000 đồng, mức giá này đang cao hơn ngày thường khoảng 10.000 - 20.000 đồng".
Chị Lan cũng nói rõ, những bát phở chị ăn không có gì đặc biệt hơn so với trước kia. "Cũng nguyên liệu đó nhưng giá không giống ngày thường, chứng tỏ các hàng quán đang tát nước theo...Tết", chị Lan nhận xét.
Thời điểm ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, những người thích phở tại Hà Nội được một phen “hú hồn” khi quán phở Thìn Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) tăng giá lên 90.000 đồng/bát. Thông tin này lập tức gây ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Đa số ý kiến cho rằng, phở Thìn tại 13 Lò Đúc đang được bán quá cao, gấp 3 lần mức giá bán bình quân của một bát phở Hà Nội.
Thế nhưng, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, thực khách vẫn nườm nượp kéo đến đây, khiến quán phở này thường xuyên kín chỗ, khách phải tự tìm chỗ ngồi cho mình. Dù biết mức giá "trên trời" và hết Tết cũng không giảm nhưng mọi người đều chấp nhận để được ăn món yêu thích. Thậm chí, nhiều người dự đoán việc phở Thìn Lò Đúc tăng giá lên 100.000 đồng/bát chỉ còn là chuyện sớm muộn bởi quán này có truyền thống tăng theo thời gian.
Không chỉ ở Hà Nội mà tại Bắc Ninh, giá một bát phở cũng đang đắt hơn hẳn ngày thường. Trong ngày gặp mặt đầu xuân tại cơ quan vào mùng 7 Tết, chị Vũ Thuý Linh (33 tuổi, ở Bắc Ninh) than thở với các đồng nghiệp: “Sáng nay dậy sớm, ra thành phố Bắc Ninh ăn một bát phở rồi lên Hà Nội làm, bất ngờ bị “chém” 50.000 đồng/bát phở bò tái chín, trong khi ngày thường chỉ phải trả 30.000 đồng".
Đã thành thông lệ, cứ đến Tết Nguyên đán, các hàng ăn, đặc biệt quán bún, phở lại tăng giá, ít thì tăng 5.000 - 10.000 đồng/bát, còn nhiều thì gấp đôi. Một chủ quán lý giải: "Thông thường, quán ăn chỉ tăng giá từ ngày mùng 1 cho đến hết mùng 5. Phần giá tăng thêm được coi như phí phục vụ đặc biệt trong mấy ngày nghỉ Tết. Hơn nữa, những ngày này, nhu cầu cao còn nguồn cung ít nên giá dễ bị đẩy lên. Do khách thèm món lạ miệng nên vẫn chấp nhận mức giá đắt. Lâu dần thành quen, thói quen này duy trì cho đến bây giờ".
Chủ một quán phở nằm trên phố Thái Thịnh (quận Đống Đa) chia sẻ: “Năm nay tôi mở cửa từ mùng 2 Tết. Bát phở ngày thường bán 35.000 đồng thì mấy ngày Tết bán 40.000 đồng. Tuy nhiên, đến mùng 5 Tết là tôi lại bán giá bình thường rồi”.
Hay như hôm mùng 3 Tết, một quán trên phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm) cũng tăng giá một bát phở lên 70.000 đồng/bát, cao hơn ngày thường 20.000 đồng.
"Choáng váng" hơn phải kể tới một quán bún ốc sườn nằm trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) “chặt chém” khách tới 100.000 đồng/bát. Không ít khách ăn giật bắn mình khi thanh toán nhưng vẫn phải trả đủ tiền vì trót không hỏi giá trước.
Thực tế, không chỉ trong Tết mà sau Tết, nhiều nơi vẫn tiếp tục giữ mức giá cao để tranh thủ kiếm thêm khi người dân ngoại tỉnh đổ về Hà Nội, nhu cầu sẽ còn lớn hơn nữa. Điều này khiến không ít khách hàng phải "cắn răng" chi tiền cho món ăn mà ngày thường vốn rất bình dân.
(Theo VTC News)
'Chặt chém' dịp Tết: Cận cảnh bát bún riêu phố cổ Hà Nội hét giá 100.000 đồng
Nỗi sợ đi ăn hàng ngày Tết ở Hà Nội bị “chặt chém”, hét giá luôn ám ảnh không ít người dân. Tại địa chỉ quán Bún ốc sườn 57 Hai Bà Trưng (Hà Nội), bát bún vài ba miếng thịt bị hét giá lên tới 100.000 đồng.