Gần đây, trên thị trường đã xuất hiện những thông tin về việc nhiều loại hoa quả như nhãn, vải... thâm chí dừa được sử dụng lưu huỳnh để làm đẹp và loại trừ nấm mốc, tăng thời gian bảo quản.

Thông tin này được truyền tai khiến nhiều người lo ngại, tuy nhiên qua tìm hiểu đây là một công nghệ đã được cho phép áp dụng và trong nhiều sản phẩm hoa quả xuất khẩu bắt buộc phải qua xử lý lưu huỳnh mới được chấp nhận vào các thị trường khó tính.

Theo ông Vũ T.N, trên thị trường hiện có một số dân buôn muốn hàng đẹp mắt và bảo quản tốt thường xử lý bằng cách xông lưu huỳnh. Cách này sẽ làm quả vỏ các loại quả như nhãn, vải sạch nấm mốc và sáng hơn. Tuy nhiên, đây là việc không phổ biến và thường chỉ được các dân buôn áp dụng nhỏ lẻ.

{keywords}
Nhãn chuẩn bị cho vào để xông hơi lưu huỳnh (ảnh: STV)

“Phương pháp này được các nước trên thế giới áp dụng khá nhiều. Tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT cũng cho phép áp dụng. Song, khi làm phải đảm bảo đúng liều lượng, thời gian cách ly tối thiểu 2 ngày để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi ăn nhãn”, ông N., cho biết.

PSG-TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện sinh học - Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng nói thêm, quả nhãn tươi muốn khỏi bị thâm người ta thường cho nhãn vào thùng bằng giấy hoặc sọt rồi đốt lưu huỳnh ở dưới đáy cho cháy lên tạo thành khí SO2, khí đó bay lên và bao phủ quanh vỏ, làm cho quả nhãn sáng hơn và không bị mốc, hỏng.

{keywords}
Lưu huỳnh được cân theo đúng liều lượng trước khi đem xông để đảm bảo an toàn, không vượt quá giới hạn cho phép (ảnh: STV)

Đây là phương pháp sinh tiết hóa khô và chất lưu huỳnh được phép dùng trong công nghệ thực phẩm.

Theo PSG-TS. Nguyễn Duy Thịnh, không chỉ riêng với nhãn mà lưu huỳnh còn được dùng để bảo quản nhiều loại quả khác, như quả vải hay các loại thực phẩm khô.

Hàm lượng lưu huỳnh dùng bao nhiêu không quan trọng, bởi khi sử dụng chúng chỉ là chất khí chỉ bám vào bề mặt ngoài, ông Thịnh cho hay. Khi khí SO2 bay hết đi thì quả nhãn có thể ăn bình thường, không sợ độc hại.

Tuy nhiên, người ta phải cách ly ít nhất hai ngày mới đem ra bán cho người tiêu dùng mua về ăn. Lý do là khí SO2 bám vào vỏ quả nhãn, nếu chưa bay hết thì ngửi sẽ có mùi hơi hắc, gây cảm giác khó chịu. Do vậy mà nhiều người khi mua nhãn, thấy mùi khác lạ thường nghi ngờ nhãn được ủ ướp hóa chất độc hại.

Song, PSG-TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng lưu ý, trong quá trình đốt lưu huỳnh để khí SO2 bám vỏ hoa quả mà ngửi trực tiếp khí này thì sẽ rất độc hại với sức khỏe, mắt lúc nào cũng có hiện tượng cay, chảy nước mắt. Thế nên, cần tránh tiếp xúc trực tiếp khi đốt lưu huỳnh.

Dưới đây là clip tập huấn xông hơi lưu huỳnh cho quả nhãn ở tỉnh Sơn La:

Vĩnh Tường