1. Tôi đang ở phòng tập gym Sài Gòn thì anh bạn ở dưới Vũng Tàu điện thoại. Anh nói, vừa ký hợp đồng thuê nhà với người đang thuê. Họ sang hợp đồng, với thời hạn còn 5 năm, mới tái ký nên thoải mái không cần lo nghĩ gì.

Anh bạn là Việt kiều, từ Mỹ về nghỉ ăn Tết rồi vì bệnh dịch Covid-19 nên “mắc dịch” luôn. Vì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, nên nhân cơ hội này, anh ở lại quê nhà, tính kinh doanh gì đó cho đỡ buồn. Căn nhà của anh vừa thuê, được người khách trước mới thuê từ sau Tết làm homestay, nhưng rồi cũng vì dịch bệnh mà ế nhệ luôn, đành phải sang lại cắt lỗ.

{keywords}
Ảnh: Shutterstock

Căn nhà có 4 lầu, 6 phòng ngủ, đầy đủ tiện nghi, nằm trên con phố trung tâm du lịch ở Bãi Sau, trị giá khoảng 15 tỷ đồng. Ngoài 6 phòng ngủ có thể cho thuê được, thì tầng trệt cũng vẫn kinh doanh tốt. Vậy nhưng, giá cho thuê trong 5 năm chỉ có 15 triệu đồng/tháng. Con số đưa ra khiến người khác giật mình. Với giá tiền đầu tư như vậy, cho thuê nhà rẻ như vậy, nhưng sao mọi người vẫn giữ tài sản, hoặc chưa có thì tiếp tục đi mua để cho thuê?

Mấy năm nay, giá nhà đất liên tục tạo lập đỉnh mới. Người ta nói nhiều về cụm từ “bong bóng bất động sản”, nhưng qua nhiều đợt chững lại, giá nhà lại tiếp tục tăng lên. Năm sau cao hơn năm trước.

Chạy qua các con phố lớn tại Sài Gòn, rất nhiều biển trưng lên cho thuê mặt bằng, trong và sau thời dịch bệnh. Lượng người tham gia lưu thông trên đường thời dịch bệnh giảm, sau đó thu nhập giảm, nên tiền bạc eo hẹp khiến mọi chi phí cũng được thắt chặt tối đa. Người có nhà không giảm giá cho thuê, người đi thuê không đủ trả chi phí nhà, dẫn tới không cùng tiếng nói chung, mọi sự đều phải xóa đi làm lại.

Tuy nhiên, có nhiều mặt bằng đang ế, nhưng cũng có nhiều mặt bằng nghe nói hợp đồng thuê sau cao hơn hợp đồng thuê trước. Và số tiền nhàn rỗi nhiều hơn, ít ai dám mạo hiểm đầu tư nhiều đồng vốn vào kinh doanh thời điểm này, nên bất động sản vẫn là kênh đầu tư chắc chắn, lâu dài, ổn định.

Có những căn nhà cho thuê giá khá rẻ bởi người ta cho thuê với mục đích để giữ tài sản, chứ không hề tính lời lãi gì, nên mới có nghịch lý nhà mua mắc mà cho thuê bèo.

2. Tôi có cô em quê ở Bình Dương vào Sài Gòn lập nghiệp lâu năm. Cô có rất nhiều đất tại Bà Rịa, nhưng vẫn chưa muốn bán đất để mua nhà. Nhiều năm nay, cô thuê các căn hộ để ở, tùy theo công việc mà thuê vị trí phù hợp. Giá thuê nhà vài năm nay tại Sài Gòn không biến động nhiều, trong khi giá đất ở tỉnh tăng cao. Cô đang tính chừng 3 năm nữa mới bán đất mua căn hộ.

Người bạn khác có căn hộ bên quận 2, từ khi mua tới giờ là 4 năm, đã lời chừng hơn 1 tỷ đồng nhưng hiện giờ cho thuê căn 2 phòng ngủ chỉ có giá 14 triệu đồng/tháng.

Mấy tháng nay, thấy cứ vài ngày cô lại đăng cho thuê trên Facebook, nhưng vẫn chưa có khách thuê. Chung cư đó, trước đây khách nước ngoài rất thích thuê ở, nhưng từ Tết tới giờ thì khó tìm được khách mới. Sau khi người khách cũ trả nhà thì điệp khúc “Cần cho thuê” cứ đăng hoài chưa dứt.

Lãi suất gần đây có chiều hướng đi xuống thấp, người dân dư dả tài chính chưa dám bung tiền ra để làm ăn. Tích trữ tài sản chờ thời là cách mà nhiều người lựa chọn qua thời dịch bệnh. Đó chính là nguyên nhân thời điểm này giá cho thuê thấp, nhưng người chủ sở hữu cũng không bán tháo tài sản nếu không bị áp lực tài chính.

Mong rằng những câu chuyện như thế này sẽ không kéo dài. Mong rằng dịch bệnh mau chấm dứt để nền kinh tế ổn định và phát triển.

(Theo Đầu tư Bất động sản)