- Chú trọng cải cách DNNN, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô là những khuyến nghị chủ yếu của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Kết thúc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) trưa 5/12, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh các cam kết của Chính phủ trong kế hoạch phát triển kinh tế năm tới.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Năm 2014, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung sức làm tốt hơn những nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Đầu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát chủ động theo mục tiêu đề ra.

{keywords} 

Tăng trưởng GPD 2014 sẽ là 5,8%, năm 2015 là khoảng 6%. Quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt gần 176 tỷ USD, với mức thu nhập bình quân đầu người 1.960 USD.Việt Nam sẽ giữ tỷ giá ổn định, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, đồng thời, giữ đà tăng trưởng xuất khẩu cao như hiện nay.

“Chính phủ tập trung sức mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nền kinh tế hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, phát triển bền vững hơn, để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhâp trung bình”, Thủ tướng nói.

Trong quá trình tái cơ cấu, Việt Nam tiếp thục thực hiện lộ trình kinh tế thị trường các mặt hàng.

Thủ tướng dẫn chứng, hiện nay, đối với xăng dầu đã không còn trợ giá. Mặt hàng than chỉ còn trợ giá than bán cho điện. Năm 2014-2015 sẽ kết thúc việc trợ giá này. Việc thực hiện cơ chế giá thị trường như vậy góp phần giúp cho thanh khoản nền kinh tế minh bạch hơn.

Đồng thời, Chính phủ tập trung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu mạnh mẽ ngân hàng. Đặc biệt, khu vực DNNN sẽ được tái cơ cấu hiệu quả hơn để khu vực này thực sự hoạt động cạnh tranh, minh bạch trong thể chế kinh tế thị trường. “Chúng tôi sẽ công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN”, Thủ tướng cho hay.

Cùng đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phòng chống tham nhũng, xử lý những sai phạm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Liên quan đến những thành tưu về tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế, khai mạc trước đó, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới đánh giá, tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn chậm chạp. Khu vực kinh tế quốc doanh vẫn trì trệ.

Đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn nữa ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt, trong tái cơ cấu, cần chú trọng cải cách hơn nữa DNNN, DN tư nhân.

“Tăng cường năng lực cạnh tranh, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề cơ bản nếu Việt Nam muốn tận dụng tối đa đà phục hồi toàn cầu và từ quá trình hòa nhập lkinh tế trong cộng đồng kinh tế ASEAA, TPP và EU và trong khuôn khổ các hiệp định song phương khác”, bà Kwa Kwa khuyến nghị.

VDPF lần thứ nhất đánh dấu giai đoạn mới trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Diễn đàn mở đầu cho Việt Nam từ quốc gia nhận viện trở thành quốc gia đối tác phát triển.

 Dẫn ngạn ngữ của nước ngoài: “Cho bánh thì rất quý, dạy cho nghề, có tiền mua bánh còn quý hơn nhiều”, Bộ trưởng KH-ĐT Vinh bày tỏ: “Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ vật chất từ các nhà tài trợ nhưng cần được đầu tư đúng đối tượng, dự án. Chúng ta sẽ cùng nhau bàn tính kế hoạch phát triển Việt Nam, các nhà tài trợ sẽ chia sẻ những kinh nghiệm”.

Phạm Huyền