- Khoảng 20% dân số Việt Nam có thu nhập cao và khá cao, chiếm tới 80% lượng chi tiêu, nhưng chỉ thích dùng hàng ngoại, quay lưng với hàng nội. Đây là cảnh báo với các doanh nghiệp Việt có thể thua đau ngay trên sân nhà.

Sẵn sàng chi tiền cho hàng ngoại

Một địa chỉ bán hàng Nhật Bản vừa khai trương tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), khách hàng kéo đến đông nghịt, bất chấp giá tại đây cao gấp 3-4 lần so với hàng Việt Nam. Không ít khách hàng vẫn sẵn sàng chi tiền khi biết đích xác đó là hàng sản xuất tại Nhật Bản.

Không tiết lộ doanh thu, nhưng đại diện cửa hàng này nói rằng “rất hứa hẹn”. Nhiều mặt hàng tiêu dùng như máy xay sinh tố, nồi cơm điện, phích nước nóng,... bán rất chạy.

Với biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, từ 1/4/2015, có 3.234 mặt hàng nhập khẩu Nhật được áp thuế suất 0% và còn cả nghìn mặt hàng Nhật khác cũng có mức thuế tương tự vào năm 2019. Dự báo, hàng hóa từ xứ sở Mặt trời mọc sẽ thâm nhập mạnh vào Việt Nam thời gian tới.

{keywords}
Có đắt người tiêu dùng vẫn chọn hàng ngoại vì chất lượng tốt

Ngoài hàng Trung Quốc, thị trường Việt Nam đang bị tấn công bởi hàng hóa của hàng loạt quốc gia tên tuổi như Thái Lan, CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Tại Hà Nội, thời gian qua, rất nhiều cửa hàng bán hàng tiêu dùng của Đức mọc lên, với rất nhiều các mặt hàng thiết yếu từ hóa mỹ phẩm đến chất tẩy rửa, bạnh kẹo rượu, bia, xoong nồi, bếp từ,... Giá các mặt hàng thường cao gấp 3-4 lần so với giá bán lẻ tại Đức, song doanh số bán vẫn tăng theo tháng và các cửa hàng xuất hiện ngày càng nhiều trong các khu dân cư đông đúc.

Tài liệu công bố tại một hội thảo do ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức mới đây chỉ ra rằng, hàng ngoại nhập hoặc các thương hiệu nước ngoài đang chiếm tỷ trọng lớn, trong nhiều ngành hàng quan trọng tại Việt Nam. Ở một số ngành, các DN Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà. Người Việt Nam vẫn có tâm lý chuộng hàng ngoại nhập, đặc biệt ở nhóm 20% dân số, có thu nhập cao và khá cao, chiếm tới 80% lượng chi tiêu.

Nhiều DN cũng thừa nhận không thể cạnh tranh được với hàng ngoại. Ông Hà Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Vietfood, cho biết, bánh kẹo của các DN trong nước như Kinh Đô, Hải Hà bán với giá 50.000-100.000 đồng/kg vẫn không cạnh tranh nổi với bánh kẹo Thái Lan, Indonesia 120.000-150.000 đồng/kg, thậm chí là Nhật Bản tới 500.000-700.000 đồng/kg. Dầu ăn cũng vậy, dầu Việt Nam bán 39.000 đồng/lít người tiêu dùng cho là chất lượng kém, mua dầu thương hiệu ngoại với giá từ 45.000đồng/lít trở lên. Hay như nước rửa chén bát, người Việt vẫn ưa dùng hàng Thái một can 3,6 lít với giá 120.000 đồng hơn hàng Việt, một can 3,8 lít giá 85.000 đồng.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, thời gian tới, khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam, hàng hóa nội khó có thể cạnh tranh nếu không nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển hệ thống phân phối bền vững.

Hàng Nội "con sâu làm rầu nồi canh'

Nói về lý do vì sao không thích dùng hàng Việt Nam, anh Ngô Quốc Đạt ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội), cho hay, vợ chồng anh có thu nhập ổn định mức 40 triệu đồng/tháng, trước đây rất ưu tiên dùng hàng nội, nhất là các thiết bị điện máy như quạt điện, xe đạp,... Song, gần đây anh thấy thất vọng rõ rệt về chất lượng.

Anh Đạt kể mới mua chiếc quạt điện của một thương hiệu Việt được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Giá bán tại siêu thị điện máy là 800.000 đồng, được giảm 50%. Nhưng quạt chạy tốc độ rất chậm, số 3 là mạnh nhất thì chỉ bằng số 1 (yếu nhất) của các thương hiệu quạt khác. Chưa kể, chạy được 3 tháng quạt cứng đơ, không quay được, tháo ra lau chùi, tra dầu mỡ cũng chỉ chạy được vài tiếng lại cứng. Chán đến mức chẳng buồn mang đi bảo hành, anh bán thẳng cho đồng nát, thu hồi 50.000 đồng.

{keywords}
Hàng điện lạnh nhập ngoại về đầy kho (ảnh minh họa)

Anh Đạt cũng kể rằng đã từng mua 3 chếc quạt cây của một thương hiệu lâu đời, hàng đầu Việt Nam, trước kia chất lượng tương đương với quạt Nhật Bản. Tuy nhiên, giờ quạt đó giá khá rẻ, chỉ từ 400.000-600.000 đồng/chiếc, nhưng chất lượng rất tệ, về dùng chỉ được 2 mùa nóng. Chán quá anh bỏ hết, chuyển sang mua tất cả quạt thương hiệu Nhật Bản nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia,... đắt gấp 3 nhưng chạy tốt.

Cũng tương tự như vậy là xe đạp. Anh Đạt kể đã mua 2 chiếc xe của một thương hiệu nổi tiếng Việt Nam, nhưng rất mau hỏng, phải thay đồ liên tục. Lại chán, anh chuyển sang mua xe đạp của Đài Loan, tuy giá đắt gấp 3.

Anh Đạt giải thích, không phải anh sính hàng ngoại mà do chất lượng hàng nội chưa ổn định.  “Chiếc quạt nội tôi mua về, khi tháo ra thấy các linh kiện hoàn toàn lắp lẫn với một thương hiệu quạt rẻ tiền của Trung Quốc bán đầy ở Việt Nam, nên tôi nghĩ họ mua linh kiện Tàu về lắp”, anh nói. Dù đây chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ nhưng cũng đã làm mất đi thiện cảm của một nhóm khách hàng có khả năng tiêu dùng lớn. Ảnh hưởng đến danh tiếng của hàng Việt.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét, khâu yếu nhất của DN Việt Nam là chậm đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, nhiều DN vẫn sử dụng mắt và tay để kiểm tra chất lượng thì khó có thể đảm bảo các tiêu chuẩn.

Hiện Việt Nam đã ký 8 thỏa thuận thương mại tự do và đang tích cực đàm phán 7 thỏa thuận nữa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tất cả các hiệp định này đều yêu cầu xóa bỏ thuế nhập khẩu, dự kiến lên đến 90-100% với các loại hàng hóa của họ xuất vào Việt Nam. Hàng loạt DN Việt sẽ biến mất khỏi thương trường nếu cứ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay, ông Thành khuyến cáo.

Trần Thủy