LTS : Đa số các tài xế khi còn học trên trường lái đều được dạy phải kiểm tra ô tô trước khi lên đường đi xa, đề phòng những sự cố liên quan đến lốp, phanh, điện. Thế nhưng, với nhiều người đi mượn xe, họ gần như quên mất bài học này, dẫn đến những sự cố không may, thậm chí cả tai nạn do không quen xe.

Dưới đây là một tình huống cho mượn xe khá may mắn cho cả chủ xe lẫn người đi mượn, khi chiếc ô tô địa hình 4x4 đã đi đến nơi, về đến chốn nhưng làm cả chủ lẫn khách được phen...hết hồn. VietNamNet xin đăng tải lại dưới lời kể của chủ xe - anh Phạm Hùng (phố Thành Công, Hà Nội).

Tôi là người có thời gian sử dụng ô tô từ rất lâu, nhất là lại có niềm đam mê với các dòng xe địa hình 4x4 công suất lớn. Trong nhà lúc nào cũng có sẵn 2 chiếc xe gồm Toyota Land Cruiser và Nissan Patrol 1997, chưa kể một số chiếc khác gửi ở một vài nơi. Chính vì rất yêu xe nên tôi chăm khá kỹ, chiếc nào bệnh ra sao, hắt hơi xổ mũi chỗ nào tôi cũng nắm được. Thế nhưng vẫn gặp phải trường hợp để lại bài học sâu sắc và nhớ mãi.

{keywords}
Chiếc Nissan Patrol đời 1997 của anh Hùng. Xe trang bị động cơ dầu 4.2L, cùng hệ dẫn động 4x4.

Chuyện là vào một ngày, tôi có cho người bạn thân mượn một chiếc xe lúc chiều tối để đi công chuyện gấp tới Hải Phòng. Sẵn chiếc Nissan Patrol 1997 đang ở nhà, tôi liền đưa luôn chìa khóa cho bạn mà quên không kiểm tra xung quanh vì nghĩ yên tâm vừa mới đưa chiếc xe này vào xưởng cân bằng động 4 bánh.

Bỗng nhiên lúc khuya muộn, tôi nhận được điện thoại của bạn. Trong tiếng xe xé gió trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bạn cố gắng để điện thoại thu được tiếng rít từ bánh xe để hỏi tôi rằng thấy xe có cảm giác lọc cọc, tay lái hơi bị lắc. 

Trong lòng tôi cũng hơi hoang mang, không rõ tiếng rít mình nghe thấy được là biểu hiện của bệnh gì vì rõ ràng mình mới bảo dưỡng xe. Tôi đành khuyên bạn chạy chậm lại và cố gắng kiểm tra xem có vấn đề gì không.

Đến 1 giờ sáng, bạn tôi cuối cùng đã đem xe về trả tận tay. Trong ánh đèn pin kiểm tra một vòng, tôi tá hỏa khi nhìn thấy 6 con ốc siết bánh sau bên phụ...chỉ còn có 1, mà lại trong tình trạng sắp đứt tắc-kê. Bạn tôi cũng rùng mình khi nhớ lại vẫn đạp ga đủ 120km/h trên cao tốc mà không hề biết la-zăng đã nghiến gần đứt hết tắc-kê, ốc thì rơi rụng không biết từ lúc nào.

{keywords}
Hình ảnh gây sốc (khoanh đỏ) khi 6 tắc kê bị nghiến cái thì đứt hẳn, cái còn lại cọng thép mỏng. Ảnh: Phạm Hùng.

Bằng kinh nghiệm dùng xe đã lâu, tôi phán đoán có khả năng lúc thợ lắp lại bánh sau khi cân bằng động đã siết ốc không chặt. Quá trình chạy xe sau đó làm tăng rung động, tạo độ hở làm la-zăng nghiến vào tắc-kê, lâu dần gây đứt. Với tốc độ trên cao tốc mà bạn tôi chạy, chẳng may rụng bánh thì thật chẳng dám nghĩ đến!

Đây cũng là bài học cho tôi, trước khi giao xe cho người khác sẽ phải kiểm tra rất kỹ, từ con ốc cho đến sợi dây điện bởi người mượn xe sẽ không thể quen như chủ, nhất là với những dòng xe đời cũ.

Độc giả Phạm Hùng (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội)

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Bị phạt nguội khi cho mượn xe, chủ phương tiện phải làm gì?

Bị phạt nguội khi cho mượn xe, chủ phương tiện phải làm gì?

Phạt nguội là việc cơ quan chức năng xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường. Tuy nhiên chủ xe phải làm gì nếu vi phạm do người mượn xe gây ra?