Theo Tổng cục Hải quan, từ ngày 8/5/2019 đến nay, các loại xe du lịch chở người dưới 16 chỗ ngồi nhập khẩu về Việt Nam đều phải qua 5 cảng biển ở các địa phương gồm Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quy định này căn cứ vào thông tư số 06/2019 của Bộ Công thương ban hành tháng 3/2019.

Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp: Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Phục vụ các mục đích cá biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Quá cảnh với các nước có chung đường biên giới và kinh doanh chuyển khẩu.

 

Vì sao ô tô dưới 16 chỗ chỉ được phép nhập khẩu qua cảng biển? 1

Cửa khẩu cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) được đề xuất bổ sung vào danh mục cửa khẩu được phép nhập khẩu ô tô dưới 16 chỗ

Một cán bộ Cục kiểm tra sau thông quan (TCHQ) cho hay, thẩm quyền ban hành quy định về địa điểm xuất nhập khẩu là của Bộ Công thương, nội hàm quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu về kiểm hóa, thống kê xuất nhập khẩu cũng như thuận tiện cho dịch vụ logistics của nhà nhập khẩu.

Ô tô chở người nhập khẩu là mặt hàng đặc thù, vận chuyển bằng tàu chuyên dụng nên công tác xếp dỡ và thông quan cần bố trí kho bãi phù hợp. Vì thế hiện chỉ có 5 cảng biển tại Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu đáp ứng được yêu cầu.

Như vậy, các loại xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi không được nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ và đường hàng không, trong khi xe tải, xe buýt và các loại xe chuyên dụng vẫn được nhập khẩu bằng đường bộ từ Trung Quốc và các nước ASEAN.

Hiện Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo thông tư mới quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.

Điểm mới là đề xuất bổ sung thêm cửa khẩu cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) vào danh mục cửa khẩu được nhập xe dưới 16 chỗ.

Tờ trình của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết lý đề xuất nêu trên xuất phát từ kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như các doanh nghiệp được nhập khẩu ô tô qua các cửa khẩu quốc tế (bao gồm cả cửa khẩu đường bộ, đường hàng không) với số lượng nhỏ, trong thời gian gấp để phục vụ mục đích nghiên cứu, triển lãm, đào tạo.

Phía Tổng cục Hải quan đánh giá, đây là những kiến nghị xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nếu được ghi nhận sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm và cho cả doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối ô tô có nhu cầu triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo mới chỉ căn cứ kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa để bổ sung cảng biển Nghi Sơn vào danh mục cửa khẩu được phép nhập khẩu ô tô, chưa đánh giá hiệu quả quản lý khi bổ sung cảng Nghi Sơn vào danh mục cửa khẩu được phép nhập khẩu ô tô.

Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương xác định rõ tiêu chí, điều kiện cụ thể để cửa khẩu cảng biển cũng như các cửa khẩu khác được đưa vào danh mục cửa khẩu được phép nhập khẩu ô tô.

Theo Báo Giao thông

Mời bạn đọc  chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Hyundai Grand i10 cũ đời 2018 đội giá 600 triệu nhờ biển đẹp

Hyundai Grand i10 cũ đời 2018 đội giá 600 triệu nhờ biển đẹp

Chiếc ô tô cỡ nhỏ Hyundai Grand i10 cũ đời 2018 hiện vẫn được chủ xe định giá lên đến 600 triệu đồng, cao gấp 2-2,5 lần so với giá trên thị trường cũ.